Bất cập những con số
Số liệu từ Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt heo đạt 55.210 tấn, trị giá 117,5 triệu USD, giảm lần lượt 42,1% về lượng và 46,9% về trị giá so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do tiêu thụ chậm trong khi sản lượng đàn heo tiếp tục phục hồi. Và vẫn như mọi năm, giá nhập khẩu thịt heo ở mức khá thấp, khoảng 2.153 USD/tấn, bình quân 50.000 - 60.000 đồng/kg. Vậy nên giá bán ra tại thị trường hiện dao động 55.000 - 99.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, ngược lại, xuất khẩu thịt heo của nước ta vẫn không khả quan và số lượng khiêm tốn. Tính riêng năm 2021, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 5.000 tấn heo sữa và heo choai sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) và Malaysia… Còn 7 tháng qua đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được hơn 10.000 tấn thịt heo, trị giá gần 42 triệu USD. Sản phẩm thịt heo xuất khẩu của Việt Nam vẫn là heo sữa nguyên con đông lạnh và heo nguyên con (cỡ nhỏ) đông lạnh chiếm chủ đạo. Ngoài ra là một số sản phẩm thịt heo khử trùng xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Nhưng đó là tất cả những gì mà ngành heo Việt Nam làm được đến nay (theo con đường chính ngạch), đây có thể coi là sự “thất bại” đáng kể của chăn nuôi Việt Nam. Bởi theo đánh giá, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản lượng thịt heo, nhưng trong thị trường thịt heo toàn cầu quy mô 28,5 tỷ USD, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ việc xuất khẩu thịt heo.
Nâng cao chất lượng
Trong một cuộc hội thảo bàn luận về vấn đề xuất khẩu của ngành chăn nuôi, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á (Tập đoàn De Heus) cho biết, muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đến các thị trường lớn như châu Âu thì Việt Nam phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu từ phía đối tác nhập khẩu. Sản phẩm phải bảo đảm không có tồn dư kháng sinh và phải được lấy từ những vùng an toàn dịch bệnh…
Đây là những yêu cầu tiên quyết nhưng cũng khiến ngành chăn nuôi heo rơi vào thế khó, bởi hiện nay, ở nước ta chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang chiếm những ưu thế. Và điều này dường như vẫn “kéo chân” ngành hàng này trong xuất khẩu.
Chiến lược ngành chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, xuất khẩu thịt heo đạt 500 - 800 triệu USD/năm. Tuy nhiên, mục tiêu này đã thất bại. Trong chiến lược phát triển mới đây, ngành chăn nuôi tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 600.000 tấn thịt heo, tương đương 2,5 - 3 tỷ USD. Thế nhưng, chỉ còn chưa đầy 8 năm nữa, lĩnh vực này liệu có kịp thay đổi?
Để đạt được con số nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ sẽ đồng hành cùng các địa phương, triển khai quyết liệt, đồng bộ việc chuyển đổi số trong chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao nhằm tiết kiệm chi phí. Cùng với đó là gắn việc đẩy mạnh chăn nuôi với chế biến để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu; Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường có tiềm năng; Đồng thời hỗ trợ việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới…
Giải quyết vấn đề giá thành và pháp lý
Bên cạnh nâng cao chất lượng chăn nuôi, còn một vấn đề nữa mà ngành hàng này phải giải quyết, đó là hành lang pháp lý. Hiện nay, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nước ta mới chỉ ký hiệp định về thú y với 2 thị trường Hồng Kông và Malaysia, công nhận chất lượng kiểm dịch. Thế nhưng, 2 thị trường này số lượng nhập khẩu rất ít (chỉ sản phẩm heo sữa), còn thị trường rộng lớn ngay bên cạnh là Trung Quốc thì vẫn chưa thông. Ngăn trở tại thị trường Trung Quốc hiện nay là nước này vẫn chưa bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt heo đối với Việt Nam. Lệnh cấm này được Trung Quốc ban hành năm 2012, khi đó dịch lở mồm long móng xuất hiện tại nước ta.
Thêm nữa, cần hạ giá thành chăn nuôi heo trong nước xuống. Bởi hiện nay, ngay trên “sân nhà” nhưng heo nuôi của nước ta cũng không thể cạnh tranh được về giá bán so với heo ngoại. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), với giá nhập khẩu hiện nay thì thịt heo nuôi trong nước có giá cao hơn từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với thịt heo nhập khẩu. Tại các chợ dân sinh, giá thịt heo nội dao động 100.000 - 150.000 đồng/kg, mức giá này còn cao hơn nữa tại các siêu thị. Trong khi giá bán của heo nhập khập chỉ quanh mức 55.000 - 90.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ, do giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, tỷ lệ đàn hao hụt do dịch bệnh vẫn lớn nên giá thành nuôi heo hiện bị đẩy lên khá cao. Với các hộ nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, giá thành heo hơi hiện nay phải trên 60.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng. Thức ăn chăn nuôi hỗn hợp ở nước ta cao hơn một số nước trong khu vực có lúc trên 10%. Chi phí phòng, chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng thuốc sát trùng… đã đẩy giá thịt heo tăng cao hơn.
Ngay trên “sân nhà” thịt heo của Việt Nam đã không thể cạnh tranh nổi với heo ngoại bằng giá cả, thế nên liệu mặt hàng này có khả quan vượt được các nước có ngành chăn nuôi hiện đại khi đi sâu vào thị trường thế giới?