Do số lượng cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia đề án án truy xuất nguồn gốc thịt heo tại TPHCM chưa đáp ứng kỳ vọng, nên ban quản lý đề án trước mắt đã áp dụng giải pháp thông qua thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện để làm cầu nối hướng dẫn các hộ chăn nuôi đăng ký tham gia đề án.
Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo tại TPHCM dễ áp dụng trong siêu thị nhưng khó áp dụng ngoài chợ truyền thống
Ngày 4.3, tại buổi họp báo thường kỳ của Sở Công thương TP, ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng Phòng Quản lý Thương mại Sở Công thương TP, cho biết tính đến nay, đã có 385 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống phân phối hiện đại tại TPHCM đã tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo và vận hành hệ thống khá tốt. Ngoài ra, từ cuối tháng 1.2017, đề án đã triển khai ở 24 chợ truyền thống.
Từ ngày 1.3, đề án nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo chính thực triển khai tại hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền (chiếm 80% sản lượng thịt heo cung ứng cho TP).
Tính đến giữa tháng 3.2017, có 767 cơ sở chăn nuôi heo ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Thuận… đăng ký tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo. Trong đó, có 99 cơ sở thực hiện kích hoạt khai báo thông tin về truy xuất nguồn gốc.
Thịt heo dán tem truy xuất được bán trong một siêu thị ở TPHCM
Sở Công thương TP cho rằng, số cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia đề án chưa đáp ứng được kỳ vọng nên việc truy xuất nguồn gốc thịt heo tại các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Tại hai chợ đầu mối, ban quản lý đề án trước mắt phải áp dụng giải pháp thông qua thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện để làm cầu nối hướng dẫn các hộ chăn nuôi đăng ký tham gia đề án. Khi nào đủ số hộ chăn nuôi tham gia đề án thì mới dừng việc cho thương lái đeo vòng nhân diện.
Lý giải việc này, Sở Công Thương cho rằng, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các tỉnh, thành lân cận cung cấp thịt heo cho thị trường TP rất lớn (chiếm 80%). Đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đăng ký tham gia đề án và chưa có thói quen sử dụng, tiếp cận thiết bị công nghệ thông tin hiện đại nên việc thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi cục thú y các tỉnh chưa tích cực phối hợp triển khai, dẫn đến tình trạng thông tin từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến vận chuyển về TPHCM không được kết nối, việc truy xuất nguồn gốc bị gián đoạn, gây hiểu lầm là việc thực hiện chỉ mang tính hình thức, lãng phí, không thiết thực.
(Theo Báo Lao Động)