Về xuất khẩu: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 1,39 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 6,92 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 40,2% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 17,4% về trị giá. Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Hồng Kông… giảm mạnh.
Tháng 1/2022, thịt và các sản phẩm thịt củaViệt Nam được xuất khẩu sang 15 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 50,3% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước với 700 tấn, trị giá 4,73 triệu USD, giảm 13,9% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 27,9% về lượng, nhưng tăng 19,4% về trị giá. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi, ướp lạnhhoặc đông lạnh. thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 986 tấn, trị giá 5,55 triệu USD, giảm 11,9% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 tăng 78,3% về lượng và tăng 78,9% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.638 USD/tấn, giảm 6,7% so với tháng 12/2021, nhưng tăng 0,3% so với tháng 1/2021. Thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.
Về nhập khẩu: Sức mua giảm do dịch vụ ăn uống ngoài gia đình phục hồi chậm, nguồn cung dư thừa, trong khi việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do vận chuyển khó khăn nên khả năng thời gian tới nhu cầu nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt sẽ khó tăng đột biến trong năm 2022. Trong tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 37 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. Trong tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu 10,7 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 23,58 triệu USD, giảm 27,1% về lượng và giảm 27,2% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 tăng 5,5% về lượng, nhưng giảm 2,5% về trị giá. Giá nhập khẩu trung bình đạt 2.203 USD/tấn, giảm 0,1% so với tháng 12/2021 và giảm 8,2% so với tháng 1/2021. Tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 20 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Bra-xin chiếm 40,2%; Nga chiếm 21,7% và Đức chiếm 13,1%…
Châu Á – Thái Bình Dương là thị trường tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn lớn nhất trong năm 2021. Theo báo cáo thị trường do Research And Markets công bố, thị trường thịt lợn toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình là 2,8% trong năm 2022. Các nhà phân tích đang kỳ vọng thị trường thịt lợn toàn cầu sẽ tăng, mặc dù Trung Quốc sẽ hạn chế nhập khẩu thịt lợn do tốc độ tự cung tự cấp ngày càng tăng ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, châu Á – Thái Bình Dương sẽ vẫn là thị trường tiềm năng cho hầu hết các nhà sản xuất thịt lợn trên thế giới, khuyến khích xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Năm 2021, xuất khẩu thịt lợn toàn cầu đạt 235,48 tỷ USD. Dự kiến sẽ đạt giá trị 242,04 tỷ USD trong năm 2022 và sẽ tăng trưởng hơn nữa để đạt 258,39 tỷ USD vào năm 2026 nhưng với tốc độ tăng trưởng chậm hơn, chỉ 1,6%.
Thịt lợn là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, cung cấp chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe con người, chứa một lượng lớn các axit amin. Theo Ủy ban Truyền thông Mỹ, năm 2020 doanh số sản xuất thực phẩm và đồ uống đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước đó, từ 118,7 tỷ USD năm 2019 lên 122,9 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2020, nhập khẩu thịt của Trung Quốc tăng 59,6% so với năm trước đó. Do đó, lĩnh vực thực phẩm và đồ uống ngày càng phát triển thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường thịt lợn.