Theo dự kiến của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong các tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá thịt heo sẽ tăng cao nếu giá heo hơi tăng thêm 10% hoặc 15%. Với các kịch bản này, giá heo hơi được dự báo tăng lên 68.000 - 70.000 đồng/kg trong những tháng cuối năm.

          Để ổn định nguồn cung, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị các địa phương đánh giá cụ thể tình hình chăn nuôi, nhập khẩu và cân đối cung cầu các mặt hàng thịt heo, gia cầm, gia súc phục vụ nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với thức ăn chăn nuôi, sản phẩm cung ứng ra thị trường với mức giá hợp lý.

          Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết, hiện giá thịt heo hơi Vissan mua đang ở mức 60.000 đồng/kg (loại 1, giá giao tại nhà máy) nhưng dự báo vào gần Tết, giá có thể tăng lên 65.000 - 68.000 đồng/kg. Về sản xuất, nếu tình hình tái đàn heo đạt kết quả tốt và dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ như đầu năm đến nay thì thị trường cơ bản ổn định, không lo thiếu hụt thực phẩm.

          Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nguồn cung thịt heo tại thị trường trong nước dồi dào nhờ 16 doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn (đang chiếm tỷ trọng gần 50%) giữ đà tăng trưởng tốt. Các nông hộ trên địa bàn cả nước đang duy trì tổng đàn heo với số lượng trên 28 triệu con..., do đó, từ nay đến Tết Nguyên đán 2023 không có nguy cơ thiếu thịt heo.

             Việt Nam thuộc Top 10 nước đứng đầu về quy mô chăn nuôi heo với tổng đàn trên 23,3 triệu con, chiếm 70% sản lượng thịt của cả nước. Heo được nuôi phân bố đồng đều ở các vùng miền.

         Tuy nhiên, thông tin từ Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong 4 năm vừa qua số lượng hộ chăn nuôi đã giảm từ 4 triệu hộ xuống còn 2 triệu hộ.

          Chủ yếu là mô hình chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, mức đầu tư thấp, không gian chuồng trại đa phần nhỏ hẹp, mật độ nuôi cao, năng suất thấp, khó kiểm soát được chất lượng.

         Bên cạnh đó, dịch tả heo châu Phi, bệnh tai xanh… thường xuyên gây thiệt hại lớn cho đàn heo. Dịch Covid-19 kéo dài gây hạn chế về logistics đã khiến th trường tiêu thụ sản phẩm từ heo gặp nhiều biến động.

         Giá bán heo thịt có lúc xuống thấp dưới giá thành sản xuất, lúc lại tăng vọt lên cao bất bình thường cũng gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm.

        Theo TS Nguyễn Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi heo đang được các doanh nghiệp tổ chức lại theo chuỗi liên kết trong vòng 7 – 8 năm nay với quy mô liên kết chiếm 1/3 tổng đàn heo trên cả nước.

         Tuy nhiên, mức độ liên kết vẫn còn lỏng lẻo trong các khâu chăn nuôi, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Điều này ảnh hưởng đến tính ổn định của ngành chăn nuôi.

        GS.TS Lã Văn Kính - Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cũng cho rằng: Số lượng đàn heo nhiều, nhưng hầu hết năng suất thấp.

         Ngoài vấn đề về con giống, kiến thức về dinh dưỡng cho heo của người nuôi còn nhiều hạn chế. Mặt khác, 95% thịt heo tiêu thụ trên thị trường là thịt ấm, có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm và được giết mổ không an toàn.

          Trong khi đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng vọt. Nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng ít nhất 30%, đặc biệt như ngũ cốc tăng gấp đôi so với cách đây 2 năm cũng là nguyên nhân tác động đến giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của thịt heo trên thị trường xuất khẩu.

          Trong bối cảnh đó, TS Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội trang trại Việt Nam cho rằng người dân nuôi quy mô nhỏ “càng nuôi thì càng lỗ”.

 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên