Sau khi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo kiểm soát chặt lợn lậu vận chuyển qua biên giới, người chăn nuôi kỳ vọng giá lợn hơi sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán, giá lợn hơi hiện đã giảm khoảng 7.000 – 10.000 đồng/kg so với tháng trước.

Ghi nhận trên thị trường ngày 19/8, giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục giảm 1.000 đồng/kg. Cụ thể, các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam và Vĩnh Phúc cùng điều chỉnh giá mua xuống mốc 60.000 đồng/kg. Tỉnh Yên Bái và Lào Cai là những địa phương có thu mua lợn hơi với mức giá thấp nhất khu vực, với khoảng 59.000 đồng/kg.

Hình: giá heo hơi miền Bắc cập nhật ngày 19/8/2023

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng đồng loạt đi ngang trên diện rộng, trong khoảng 57.000 – 60.000 đồng/kg. Trong đó, mức giao dịch thấp nhất khu vực ở Đắk Lắk và Bình Định là 57.000 đồng/kg.

 

Hình: Giá heo hơi miền Trung cập nhật ngày 18/9/2023.

Ở khu vực phía Nam, giá lợn hơi giảm rải rác ở một vài tỉnh thành, dao động từ 56.000 – 59.000 đồng/kg. Tỉnh Sóc Trăng giảm 1.000 đồng/kg xuống mức thấp nhất khu vực là 56.000 đồng/kg.

Hình: Giá heo hơi miền Nam cập nhật ngày 19/8/2023.

Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Sáng – chủ trang trại nuôi lợn, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên – cho biết, những ngày gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều trang trại lo sợ dịch nên xuất hiện tình trạng bán chạy.

“So với tháng 7, giá lợn hơi hiện đã giảm khoảng 7.000 – 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giao dịch vẫn ảm đạm, các thương lái đi mua cũng hạn chế hơn trước”, ông Sáng nói.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam – cho biết, hiện giá lợn hơi ở Trung Quốc chỉ khoảng 45.000 – 47.000 đồng/kg. Còn ở Thái Lan và Campuchia, giá lợn hơi cũng thấp hơn ở Việt Nam.

Dù Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo siết chặt lợn lậu, đặc biệt, mới đây, cơ quan chức năng đã bắt giữ không ít vụ vận chuyển lợn lậu từ Campuchia về khu vực biên giới tỉnh Long An, nhưng đến nay tình trạng vận chuyển lợn lậu vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.

“Hiện, nguồn cung trong nước vẫn dồi dào khi tổng số lợn của cả nước tăng khoảng 2,5%; sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục kiểm soát chặt lợn nhập lậu, tránh ảnh hưởng đến thị trường trong nước dẫn tới giá tiếp tục giảm”, ông Dương nói.

Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai – cũng cho rằng, ngoài nguyên nhân lợn lậu, Việt Nam đang bước vào tháng 7 Âm lịch là mùa ăn chay. Theo quy luật của thị trường, đây là thời điểm tiêu thụ thịt lợn thấp nhất trong năm. Cùng với đó, tiêu thụ của các trường học đang ở mức thấp do bước vào giai đoạn nghỉ hè.

Theo ông Đoán, với mức giá như hiện nay, người chăn nuôi hoà gốc hoặc có lãi nhẹ. Ông Đoán dự báo từ tháng 9 giá lợn có thể bắt đầu phục hồi và tăng đến hết năm do nhu cầu tăng trở lại.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên