Hiện nay, dịch tả heo châu Phi (ASF) dù đã được kiểm soát nhưng vẫn chưa dứt điểm, dịch bệnh luôn có nguy cơ tái bùng phát. Các chuyên gia khuyến cáo việc chủ động phòng bệnh ASF bằng vắc xin là một trong những biện pháp an toàn mà người nuôi có thể chủ động thực hiện.

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm đến ngày 31/10/2023, cả nước xảy ra 481 ổ dịch ASF tại 42 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 18.110 con heo; trong đó, dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Sơn La… So với cùng kỳ năm ngoái, số ổ dịch giảm 59,64%, số heo phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 67,65%. 

Nguyên nhân khiến dịch ASF chưa thể chấm dứt hoàn toàn là do đặc điểm của virus ASF rất nguy hiểm đối với heo, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp; Chăn nuôi hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; Việc buôn bán, vận chuyển heo, giết mổ heo bệnh, cũng như tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi; Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh... Để kịp thời ngăn chặn và phòng bệnh một cách chủ động, tiêm phòng vắc xin là giải pháp hữu hiệu nhất.

Theo thống kê, đến nay đã có trên 1,3 triệu liều vắc xin ASF được cấp phép lưu hành. Mặc dù Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng trên phạm vi toàn quốc, nhưng số lượng tiêm vẫn còn khiêm tốn. 

Ông Đặng Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 64 ổ dịch tại 12 huyện, tiêu hủy 2.381 con heo. Tỉnh đã triển khai tiêm phòng vắc xin ASF, thông báo tuyên truyền tới người dân tiêm cho đàn heo, tuy nhiên số lượng con được tiêm chưa đạt tỷ lệ phòng hộ do Nghệ An có tổng đàn chăn nuôi lớn, chủ yếu là nông hộ nhỏ lẻ. 

Lý giải về tình trạng vắc xin sử dụng còn thấp, ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco), cho rằng đây là vắc xin mới, người dân còn ngại sử dụng. Chưa kể, nhiều người nuôi còn giữ tâm lý chỉ khi có dịch mới tiêm chứ chưa có tâm thế tiêm phòng chủ động. Để thay đổi tình hình, ông Hạnh kiến nghị Việt Nam cần xây dựng cơ chế tiêm phòng vắc xin bắt buộc, tuy nhiên phải có chính sách hỗ trợ trong giai đoạn đầu để người dân hiểu, quen dần vắc xin ASF.

Tại Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 diễn ra ngày 3/11/2023 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, nhấn mạnh: Vắc xin ASF được nghiên cứu công phu nhất từ trước tới nay. Tại Việt Nam, vắc xin đã được nghiên cứu đánh giá thử nghiệm qua nhiều cấp bậc cùng với sự chứng minh thẩm định của nhiều chuyên gia nước ngoài đảm bảo an toàn. Do vậy, các địa phương cần quan tâm kiểm soát tốt dịch ASF và có kế hoạch sử dụng vắc xin hợp lý, chủ động, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các địa phương “xem xét giảm bớt thủ tục để công tác tiêm vắc xin ASF diễn ra thuận lợi, quy mô lớn hơn, không để bị động trước dịch ASF như tình trạng đã xảy ra với dịch cúm gia cầm trước đây”. 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên