Xu hướng ăn uống lành mạnh hơn, chú trọng thực vật khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở Đức giảm nhanh, từ mức trung bình 40 kg/người vào năm 2007, xuống còn 29 kg/người vào năm 2022. Cùng với chi phí sản xuất tăng cao, một số nhà máy chế biến thịt heo ở nước này buộc phải đóng cửa.
Trong khoảng hai thập niên, một nhà máy chế biến thịt của Family Butchers ở thị trấn Vörden, phía tây bắc nước Đức, sản xuất món thịt nguội hình gấu, có tên gọi Bärchenwurst, được trẻ em trên khắp cả nước yêu thích. Tuy nhiên, chi phí sản xuất tăng và nhu cầu thịt heo giảm ở một quốc gia từng có tỷ lệ tiêu thụ heo bình quân đầu người cao nhất thế giới, đã khiến Family Butchers tuyên bố đóng cửa nhà máy này vài tuần trước.
Thông báo đóng cửa đó phản ánh tình trạng khó khăn của ngành công nghiệp thịt heo của Đức, vốn đang phải vật lộn chống chọi xu hướng nhu cầu giảm mạnh. Bên cạnh việc người tiêu dùng Đức chuyển sang các chế độ ăn giảm thịt, hậu quả của dịch tả heo châu Phi, một loạt thách thức kinh tế và các điều khoản về phúc lợi động vật khiến hoạt động chăn nuôi heo ở Đức trở nên đặc biệt khó khăn.
Khi người tiêu dùng giảm tiêu thụ thịt heo, ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt heo cũng buộc phải giảm quy mô hoạt động. Người Đức ăn trung bình khoảng 40 kg thịt heo mỗi năm vào năm 2007, nhưng con số này đã giảm xuống còn 29 kg vào năm 2022 , ngay cả khi mức tiêu thụ thịt bò và thịt gia cầm nhìn chung vẫn ổn định. Đàn heo cũng như số lượng trang trại heo ở Đức giảm gần 1/5 trong hai năm tính đến tháng 11-2022. Family Butchers, nhà sản xuất xúc xích lớn thứ hai của Đức, là công ty mới nhất thu hẹp hoạt động.
Bên cạnh nhu cầu biến mất, Eckhart Neun, chủ một cơ sở giết mổ gia súc ở thị trấn Gedern, giải thích rằng chi phí năng lượng, phân bón và thức ăn gia súc tăng cao cũng đang gây áp lực lên các doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi cung ứng thit heo. Neun, người đang giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội những người bán thịt Đức, nói: “Tình hình hiện nay giống như trò chơi domino, với các quân cờ lần lượt sụp đổ”.
Thịt heo đang mất dần sức hút ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng xu hướng này đặc biệt rõ rệt ở châu Âu. Tiêu thụ thịt heo của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập niên trong năm nay và trong vòng hai năm tới, sản lượng thịt heo ở khu vực này sẽ giảm khoảng 1/10. Các nhà sản xuất thịt heo ở Mỹ cũng đang vật lộn với lợi nhuận vànhu cầu giảm, chi phí tăng và nhiều quy định quản lý hơn. Theo nghiên cứu của hãng tư vấn quản lý McKinsey, ngay cả ở Trung Quốc, nơi chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ thịt heo của thế giới, loại thịt này không còn được tầng lớp trung lưu ưa chuộng khi họ xem thịt bò là lựa chọn lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, tình hình ở Đức vẫn nghiêm trọng hơn hết. Các nhà sản xuất thịt heo ở đây chống chọi hàng loạt thách thức từ tăng trưởng kinh tế suy giảm, sự thay đổi văn hóa ăn uống và nhân khẩu học rộng lớn hơn, cũng như sự suy giảm trong cả sản xuất do hậu quả từ các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Người Đức nói chung đang chọn chế độ ăn ít thịt hơn. Số người ở Đức xác định là người ăn chay tăng lên kể từ năm 2020. Theo báo cáo dinh dưỡng năm 2022 của Bộ Thực phẩm và Nông nghiệp liên bang Đức, 44% người được khảo sát cho biết họ tuân theo chế độ ăn kiêng “linh hoạt”, hạn chế tiêu thụ thịt.
Những lo ngại về sức khỏe là một trong những động lực dẫn đến sự thay đổi đó. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo ăn thịt chế biến sẵn như xúc xích và thịt heo xông khói có thể gây ung thư. Mối quan tâm về môi trường là một vấn đề khác. Tổn hại hệ sinh thái từ hoạt chăn nuôi gia súc là mối quan đặc biệt của đang Xanh nằm trong liên minh cầm quyền của Đức.
Ngoài ra, người Hồi giáo, với nhiều người trong số họ không ăn thịt heo vì lý do tôn giáo, hiện ước tính chiếm gần 7% dân số Đức.
Vào năm 2020, cơn bùng phát dịch tả heo châu Phi khiến Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt heo từ Đức, gây khó khăn cho các nhà sản xuất ở đây. Trước lệnh cấm nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của những người chăn nuôi heo ở Đức. Đại dịch Covid-19 cũng giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp chăn nuôi heo của Đức.
Nhưng giá năng lượng tăng vọt vào năm ngoái sau cuộc cuộc xung đột Nga-Ukraine mới là yếu tố tác động nặng nề đến những người chăn nuôi heo ở Đức. Heo con, không giống như bò, cần được sưởi ấm vào mùa đông. Đó là một trong lý do khiến các nhà sản xuất thịt heo ở Đức tốn chi phí năng lượng nhiều hơn.
Những nỗ lực của chính phủ để thắt chặt các quy định về phúc lợi động vật cũng một yếu tố gây tốn kém chi phí khác. Đối với nông dân, các quy định như vậy đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào các tính năng như lối đi ngoài trời cho heo và chuồng trại rộng rãi hơn. Tuy nhiên, với nhu cầu thịt heo đang giản, các nhà sản xuất khó có thể chuyển những chi phí cao hơn này sang người tiêu dùng.
Wolfgang Kühnl, người đồng sở hữu The Family Butchers, than thở về những tác động mà tất cả những điều này có thể gây ra cho ngành. “Trong 10 năm nữa, thị trường xúc xích Đức có thể sẽ suy giảm 1/3. Trong số hơn 100 nhà sản xuất xúc xích, nhiều nhà sản xuất sẽ bỏ cuộc hoặc bị thâu tóm ”, ông nói
Các nhà sản xuất xúc xích kiểu cũ đang sẵn sàng đón nhận các lựa chọn thay thế. Theo Văn phòng thống kê Đức, sản lượng thịt giả làm từ các thành phần thực vật tăng 73% từ năm 2019 đến năm 2022. Rügenwalder Mühle Carl Müller, một nhà sản xuất xúc xích lớn của Đức với lịch sử gần hai thế kỷ, đã tung ra các sản phẩm làm từ thực vật đầu tiên vào năm 2014. Đến năm 2021, công ty này kiếm được nhiều tiền hơn từ các sản phẩm đó so với các sản phẩm thịt thông thường.
Claudia Hausschild, người đứng đầu bộ phận quản lý phát triển bền vững và truyền thông doanh nghiệp của Rügenwalder, nói rằng sự chuyển đổi này đã giúp công ty được định vị tốt hơn để vượt qua xu hướng giảm tiêu thụ thịt heo.