Diễn biến khó lường
Biến động thị trường toàn cầu do xung đột giữa Nga - Ukraine và bùng phát đại dịch COVID-19 ở một số nơi kéo theo nhiều thách thức đối với ngành chăn nuôi heo, bao gồm chi phí tăng phi mã xuyên suốt chuỗi sản xuất, môi trường kinh doanh bất lợi, thiếu lao động, lạm phát và chuỗi cung ứng gián đoạn.
Những khó khăn khác, như áp lực cắt giảm kháng sinh và oxit kẽm, tăng cường an toàn sinh học để ngăn chặn dịch bệnh, chú trọng sức khỏe đường ruột cũng đang khiến các hãng chăn nuôi phải quay cuồng ứng phó.
Jessika van Leeuwen, quản lý lĩnh vực chăn nuôi heo toàn cầu, Công ty Hamlet Protein cho biết: “Chúng tôi có thể dự báo thị trường khá tốt, nhưng đó là thời điểm trước COVID-19. Đại dịch toàn cầu đã khiến tiêu thụ và giá cả sụt giảm trên toàn cầu”. Cùng đó, chiến sự Nga - Ukraine cũng kéo theo nhiều bất ổn cho các ngành sản xuất trên toàn cầu, không riêng ngành heo. Giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và chi phí vận tải đã cao, nay tăng mạnh hơn khiến nhà sản xuất phải chuyển một phần chi phí sang người tiêu dùng cuối cùng.
Trong báo cáo hàng quý về ngành hàng thịt heo toàn cầu, Rabobank nhận định, từ tháng 4/2022 giá thịt heo đã cao hơn khiến tiêu dùng mặt hàng này bất ổn. Chiến lược đẩy chi phí sang người tiêu dùng không khả thi bởi sức mua ngày càng suy yếu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Arno de Kreij, quản lý phân khúc heo toàn cầu tại Công ty dinh dưỡng Danisco Animal Nutrition and Health (IFF), nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thịt vẫn đang tăng. Dù vậy, chuyên gia này cũng khẳng định, thương mại toàn cầu sẽ biến động mạnh do Dịch tả heo châu Phi (ASF) và chưa thể rõ mức độ tăng giá thực phẩm sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Kreij nói thêm, bất ổn và biến động đang lan rộng khắp ngành heo toàn cầu. Giá nguyên liệu và năng lượng tăng vọt là thực trạng chung, trong khi toàn bộ ngành heo phải gồng mình cắt giảm kháng sinh, tăng cường sản xuất bền vững và nâng cao an toàn sinh học để ứng phó với các dịch bệnh mới.
Nhiều áp lực
Theo Hiệp hội sản xuất thịt heo quốc gia Mỹ, tổng chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi heo năm ngoái tại Mỹ đã tăng gần 24%. Các chi phí này gồm nhân công, nhiên liệu, năng lượng, vật liệu đóng gói và TĂCN. David Fairfield, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn và ngũ cốc Mỹ cho biết, các chi phí này tiếp tục tăng trong năm 2022. Dự trữ ngô và đậu tương toàn cầu ngày càng thắt chặt, cùng với sự gia tăng chi phí phân bón và hóa chất kéo theo biến động dữ dội trên thị trường TĂCN năm nay.
Chiến sự tại Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng, ngũ cốc và phân bón trên toàn cầu. Giá dầu và khí đốt leo thang, ảnh hưởng đến chi phí toàn chuỗi sản xuất chăn nuôi tại châu Âu. Van Leeuwen cho rằng, thực trạng trên đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại cách thức phân phối ngũ cốc và các hàng hóa khác trên khắp thế giới bởi chính sự phụ thuộc vào những khu vực bất ổn về chính trị đã đe doạ nguồn cung lương thực và thực phẩm toàn cầu.
Nhiều chuyên gia trong ngành nghi ngờ khả năng lấp đầy lỗ hổng nguồn cung của ngũ cốc Nam Mỹ tại châu Á, bởi phần lớn có thể chuyển hướng sang châu Âu với giá bán cao hơn. Ngoài ra, lượng phân bón đang thiếu hụt trầm trọng do nguồn cung chủ yếu từ Nga và Belarus đã bị gián đoạn. Điều này đồng nghĩa, năng suất cây trồng cũng thấp hơn. Giá nguyên liệu thô cao hơn đang là thách thức lớn đối với các hãng dinh dưỡng bởi nguồn cung nguyên liệu thô tại địa phương thường không đảm bảo chất lượng.
Ngoài yếu tố đường ruột khỏe, sức khỏe toàn diện và ngăn chặn dịch bệnh là những mục tiêu hàng đầu của ngành chăn nuôi heo toàn cầu trong nhiều năm qua, kể từ khi ASF bùng phát tại Trung Quốc vào năm 2018. Todd Thurman, chuyên gia tư vấn tại Công ty SwineTex Consulting Services LLC, Mỹ cho hay, ngoài ASF, tai xanh (PRRS) tại Mỹ đang là thách thức lớn. Theo Fairfield, dịch bệnh trên heo vẫn tiếp tục hoành hành trên toàn cầu, điển hình là ASF đã lan khắp châu Á, châu Âu và gần đây là Haiti và Dominica. Ngành heo Mỹ vẫn đặt mục tiêu duy trì sức khỏe đàn vật nuôi và ngăn chặn ASF lên hàng đầu. Hiện, an toàn sinh học vẫn là giải pháp thiết thực giúp Mỹ bảo vệ ngành heo trước dịch bệnh và duy trì xuất khẩu. Giống nhiều ngành sản xuất khác, ngành heo cũng thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt là sau COVID-19. Thurman cho biết, thiếu công nhân và lương cao hơn gây nhiều áp lực cho các nhà sản xuất. Thực trạng này không hề thuyên giảm, dù COVID-19 đã lắng xuống. Fairfield dự báo, lao động vẫn là thách thức xuyên suốt năm nay và toàn chuỗi cung ứng.
Nỗ lực ứng phó
Đứng trước hàng loạt thách thức, nhiều hãng sản xuất đã chuẩn bị các chiến lược bảo vệ hoạt động kinh doanh hiệu quả và giảm bớt tác động từ những bất ổn của ngành heo toàn cầu.
Leah Wilkinson, Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Mỹ cho biết, họ đã phải chuẩn bị các giải pháp dự phòng trong quá trình sản xuất và giao hàng, đồng thời khuyến khích toàn bộ nhân lực trong Công ty cùng đưa ra giải pháp. Chúng tôi đã phải thay đổi hoàn toàn tư duy về chuỗi cung ứng từ sau khi đại dịch xuất hiện để bắt kịp xu hướng thị trường.
Ngoài ra, truyền thông cũng là chìa khóa để giải quyết những thách thức hiện nay. Leah Wilkinson nhấn mạnh, khách hàng, nhà cung cấp, hãng vận tải cũng đang gặp khó khăn tương tự. Các mắt xích trong cùng chuỗi cần có sự tương tác sớm và thường xuyên để cùng thấu hiểu khó khăn chung và tìm ra giải pháp bền vững.