Với giá thịt heo sụt giảm sâu 40% so với cách đây một năm, Trung Quốc có thể rơi trở lại vào tình trạng giảm phát khi giới chức trách công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tuần này. Nguồn cung thịt heo từ các trang trại chăn nuôi lớn nhất đất nước đang tràn ngập trên thị trường nội địa, làm phức tạp thêm nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố niềm tin vào nền kinh tế thứ hai thế giới.
Giá heo hơi tương lai giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc giảm khoảng 15% kể từ đầu tháng 10, phản ánh kỳ vọng giá thịt heo giảm mạnh trên toàn quốc. Hiện tại, giá thịt heo bán buôn ở Trung Quốc giảm hơn 40% so với một năm trước.
Hình: Giá thịt heo bán ra trung bình trên toàn quốc ở Trung Quốc giảm 40% so với cách đây một năm, chỉ còn hơn 20 nhân dân tệ/kg. Ảnh: Financial Times.
Các nhà kinh tế cho biết, giá thịt heo, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI chính thức của Trung Quốc, có khả năng khiến nước này rơi vào tình trạng giảm phát khi dữ liệu giá cả tháng 10 được công bố hôm 8-11 tới. Họ cũng dự báo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc, phản ánh giá bán từ cổng nhà máy, tiếp tục giảm trong tháng 10, đánh dấu tháng giảm thứ 13 liên tiếp.
“Có vẻ như lạm phát tiêu dùng sẽ trở lại mức âm vào tháng 10 và lý do chính cho điều đó là lạm phát thực phẩm giảm do giá thịt heo giảm”, Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc của Capital Economics, bình luận.
Nếu giảm phát quay trở lại, sau khi CPI tăng trưởng yếu trong tháng 8 và không thay đổi trong tháng 9, điều này sẽ gây khó khăn cho nỗ lực của giới chức trách nhằm khôi phục niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn vẫn mong manh do niềm tin của người tiêu dùng yếu và khủng hoảng bất động sản.
Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, từ lâu đã chứng kiến chu kỳ bùng nổ và sụp đổ của mặt hàng thực phẩm quan trọng này, khi những hộ nông dân nhỏ lẻ đổ xô vào thị trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Điều đó dẫn đến tình trạng dư cung, khiến giá giảm mạnh, buộc những hộ nông dân phải rút lui. Bắc Kinh đã tìm cách kiểm soát chu kỳ này bằng cách tập trung sản xuất thịt heo ở các trạng trại chăn nuôi quy lớn. Tuy nhiên, năm nay, chính những nhà sản xuất đó đã khiến giá thịt heo giảm trầm trọng hơn. Sản lượng thịt heo của Trung Quốc trong quí 3 tăng 4,8% so với một năm trước lên 12,69 triệu tấn, cao nhất trong ít nhất một thập niên.
Giá thịt heo bắt đầu phục hồi vào tháng 7, một phần là do hoạt động mua dự trữ của chính phủ. Nhưng sau đó, giá giảm trở lại khi những công ty chăn nuôi lớn nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, bao gồm Muyuan và New Hope, quyết định không cắt giảm công suất dù nhu cầu yếu hơn.
Các nhà sản xuất lớn thường giảm sản lượng bằng cách bán bớt heo nái giống và mua ít heo con hơn để nuôi cho đến khi nhu cầu đẩy giá lên cao trở lại. Tuy nhiên, giá heo con Trung Quốc chỉ giảm 10% so với một năm trước, cho thấy nhu cầu heo con vẫn tương đối mạnh mặc dù giá thịt heo giảm sâu.
Giá cổ phiếu của Muyuan, nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới, giảm hơn 20% trong năm nay, ngay cả sau khi các thành viên hội đồng quản trị công bố mua lại cổ phiếu trị giá khoảng 1 tỉ nhân dân tệ (137 triệu đô la Mỹ) vào tháng trước. Gần đây, công ty đã phải hủy bỏ đợt bán cổ phiếu huy động vốn trị giá 1,5 tỉ đô la ở Zurich (Thụy Sĩ), do “các yếu tố khách quan”. "Một phần của vấn đề là ở một mức độ nào đó, rất nhiều công ty lớn chấp nhận chu kỳ bùng nổ và sụp đổ của thị trường thịt heo ở Trung Quốc vì họ nghĩ rằng họ kinh doanh giỏi hơn đối thủ cạnh tranh", Friedrichs nói.
Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Morgan Stanley nhận định,Trung Quốc có khả năng đương đầu với một cuộc chiến kéo dài để chống lại tình trạng giá cả giảm trong vài năm tới. Báo cáo cho rằng Trung Quốc chỉ mới ở giai đoạn đầu của “cuộc chiến chống giảm phát” khi nước này chuyển đổi khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào tín dụng.
Số liệu lạm phát yếu sẽ làm tăng thêm sự không chắc chắn cho triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc sau khi hoạt động của các nhà bất ngờ sụt giảm và lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại trong tháng 10.