Lợn nái thường háu ăn, khi ăn xong là ngủ ngay. Nhưng cần chú ý tới những dấu hiệu bất thường là triệu chứng của bệnh.
1. Bỏ ăn
Lợn nái mới cai sữa có thể nhớ con không ăn, nhưng sau đó lại rất háu ăn, nhất là sau khi phối giống. Vì vậy, nếu sau khi phối giống mà lợn nái biếng, bỏ ăn là dấu hiệu bất thường hoặc báo bệnh, cần phải tìm căn nguyên của bệnh... Có thể do thay đổi khẩu phần, hương vị thức ăn đột ngột, nái không quen ăn sẽ bỏ thức ăn, hay ủi phá thức ăn vung vãi, nếu vậy nên pha trộn thức ăn cũ với thức ăn mới, dần dần lợn sẽ quen, không nên thay đổi thức ăn đột ngột, nái bỏ ăn sẽ mất sức. Còn lợn nái bệnh chỉ ngửi thức ăn rồi bỏ đi, dáng đi mệt nhọc uể oải, thiếu nhanh nhẹn.
Trường hợp nái què, sưng khớp không dậy đến máng ăn được, thường nằm ì một chỗ. Trường hợp này nên cho nái uống đủ nước, rồi đút thức ăn trực tiếp để lợn chóng lành bệnh, vì nếu không chăm sóc kỹ, nái có thể chết vì đói, khát hoặc mất sức, dễ mắc bệnh cấp tính.
2. Đi lại không yên trong chuồng
Lợn nái sau khi ăn xong nằm xuống ngủ ngay là lợn khoẻ. Song nếu ăn hai bữa chính rồi, lợn cứ đi lại không yên trong chuồng, hãy lưu ý sự bất thường này:
- Có thể lợn động đực chờ giao phối, bộ phận sinh dục có nhiều nước nhờn, ấn tay lên mông, lợn vểnh tai, lim dim.
- Lợn đang sốt hoặc nhiễm bệnh, say nắng, não bị ảnh hưởng, nhìn lợn thẫn thở, mắt không tinh nhanh, lạc thần; mũi, mép có thể chảy nước dãi, thở mệt; hông, bụng thóp vì không ăn; tiếng kêu khàn khàn khi vỗ lên lưng, đánh hoặc tiêm thuốc không chạy, không biết đau, hay bị các lợn khoẻ cắn xé vì trạng thái bất thường kể trên.
Sau khi cho lợn ăn, hãy quan sát nếu thấy lợn đứng đờ đẫn, bụng hóp, thở mệt là có thể lợn bị những bệnh trên, để sớm trị liệu.
3. Mắt đỏ
Lợn sốt cao, lòng trắng mắt sẽ đỏ ngầu. Triệu chứng mắt đỏ kèm theo sự tăng nhịp hô hấp, thở hồng hộc, chảy nước dãi, rất nguy hiểm đến sinh mạng. Lợn bị sốt thường nằm mê ngủ, chỉ thấy sườn ngực bụng thở nhanh, nếu sốt nặng thường há mõm để thở. Hãy theo dõi để phát hiện sớm lợn bị bệnh. Nếu sốt nặng sẽ làm lợn nái hư thai, ra thai hoặc tiêu thai dần trong tử cung, lợn nái thành vô sinh.
4. Khô mũi và lưỡi
- Trường hợp lợn bị sốt, mũi khô có máu đông vì khát nước, lưỡi cũng khô nước bọt, cần cấp nước có pha chút muối để quân bình sinh lý, thân nhiệt.
- Thở khò khè, ngáy tiếng lớn
- Do viêm mũi và phế quản kinh niên, hậu chứng của bệnh cảm cúm do virus.
5. Chảy máu cam
Hiện tượng này do viêm xoang mũi sau thời kỳ sổ mũi nặng vì cúm lợn kèm phụ nhiễm độc trùng. Lợn có thể hắt hơi, bật chảy máu từ một hoặc hai lỗ mũi. Tiêm thêm Vitamin C là cách duy nhất làm hạn chế chứng chảy máu cam trên lợn nái.