Hiện nay, chăn nuôi heo nái sinh sản đang được rất nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn nhằm chủ động con giống cho giai đoạn nuôi thịt, tự mình có thể lựa chọn những con giống có chất lượng cao, hạn chế mầm bệnh từ ngoài trại xâm nhập vào trại qua đường con giống, giảm chi phí và thời gian bắt giống.

Tuy nhiên việc chăn nuôi heo nái sinh sản yêu cầu kỹ thuật cao và đòi hỏi người nuôi cần kinh nghiệm xử lý các tình huống xảy ra tại trại. Giai đoạn heo nái nuôi con được coi là thành quả của quá trình chăn nuôi heo nái, nhưng chính giai đoạn này lại có tỷ lệ hao hụt cao nhất, và chưa thực sự được người chăn nuôi chú trọng. Theo thống kê tại Mỹ số heo chết trong giai đoạn này chiếm 9,4% tổng số heo được sinh ra trong số heo chết do mẹ đè chiếm 48,7%. 

Việc quản lý, chăm sóc trong giai đoạn này giúp heo con khỏe mạnh và giúp phát triển hệ tiêu hóa cũng như nâng cao khả năng thich nghi với điều kiến sống mới để làm được điều đó người chăn nuôi cần hiểu rõ về các đặc điểm sinh lý cũng như các nhu cầu cần thiết của heo và có những điều chỉnh sao cho phù hợp với từng mùa, giai đoạn phát triển của heo trong năm.

Việc chăm sóc cũng như nuôi dưỡng heo con giai đoạn theo mẹ chúng ta cần chú ý tới điều kiện môi trường, đặc biệt là tiểu khí hậu chuồng nuôi "riêng biệt", nhiệt độ phù hợp với điều kiện heo mẹ là 15,5oC - 18,5oC trong khi nhiệt độ trong những ngày đầu đối với heo con là 34oC-35oC do vậy để đạt được tất cả các yêu cầu trên nhiệt độ chuồng cần duy trì ở mức 18oC-21oC và có một khu vực úm heo con. Trong giai đoạn này cần chú ý tới hành vi của heo mẹ cũng như heo con để có thể điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp với heo.

- Đối với heo con khi nhiệt độ quá cao chúng không nằm trong ổ mà di chuyển ra ngoài khu vực úm và nằm gần mẹ điều này không những làm hao phí điện mà còn tăng tỷ lệ chết do heo mẹ gây ra.

- Khi nhiệt độ khu vực úm không đủ heo con nằm tụm lại với nhau và đè lên nhau, điều này rất nguy hiểm vì như vậy heo con dễ bị nhiễm lạnh và bị tiêu chảy.

- Nhiệt độ phù hợp với heo con khi chúng nằm ngủ với tư thế thoải mái và nằm đều trong khu vực úm.

          Việc chuẩn bị khu vực úm cần làm trước khi heo đẻ 24 giờ và nên bố trí ở phía sau của nái như vậy heo con sẽ nhanh chóng tìm được vú mẹ để bú hơn.

Dinh dưỡng cho heo con theo mẹ

Giai đoạn này heo con thu nhận dinh dưỡng chủ yếu từ heo mẹ, chỉ thu nhận dinh dưỡng từ bên ngoài ở cuối giai đoạn nuôi.

- Sữa đầu là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho heo con do có chứa một lượng lớn các chất kháng thể. Sữa đầu có chất lượng tốt nhất trong 6 giờ đầu sau khi sinh, sau đó lượng kháng thể này giảm dần và mất hẳn sau 24 giờ.

- Cần cố định đầu vú cho heo con để tất cả chúng đều có thể bú được sữa đầu đặc biệt là những con yếu hơn trong đàn nên được bú những núm vú phía trên ngực. Điều này giúp những con heo nhỏ hơn có sức khỏe tốt và đàn heo được phát triển đồng đều.

- Nên tách những con heo con có khối lượng lớn hơn ra khỏi heo mẹ 2 giờ buổi sáng và 2 giờ buổi chiều trong thời gian đầu để đàn heo nhỏ hơn có thêm thời gian bú sữa để đàn heo được đều hơn. Lưu ý cần tiêm cho heo mẹ 1 - 1,5 ml oxytocin trước mỗi lần tách heo con có khối lượng lớn hơn ra khỏi heo mẹ để tăng số sữa cho đàn heo nhỏ hơn và cần chắc chắn rằng đàn heo lớn luôn được ủ ấm cẩn thận.

- Cho ăn sớm được khuyến cáo nên bắt đầu bổ sung cho heo con lúc 10 ngày tuổi khi lượng sữa cũng như chất lượng sữa giảm; cho ăn sớm sẽ giảm hiện tượng heo con thiếu dinh dưỡng từ ngày thứ 12 trở đi.

Một số yêu cầu khi cho heo con tập ăn

+ Dinh dưỡng cho heo cần chú ý dễ tiêu nên gồm có các thành phần dễ tiêu hóa như Protein huyết tương, sữa . . .

+ Nên ép viên có kích thước nhỏ phù hợp với tập tính của heo con, chất lượng viên cám ép cần cứng để đảm bảo khi vận chuyển không bị vụn nhưng khi gặp nước bọt của heo cần tan ngay và có mùi, vị giống như mùi, vị của sữa mẹ như vậy sẽ kích thích heo con ham ăn hơn.

+ Nên cho heo con ăn làm nhiều bữa trong ngày và đảm bảo rằng thức ăn trong máng luôn mới.

+ Chú ý khi cho heo con tập ăn, cần thiết phải cho chúng uống nước sạch đầy đủ.

Các cách cho heo con tập ăn hiệu quả.

Với chuồng nuôi hiện đại (chuồng sàn) nên sử dụng máng tập ăn có thể máng gang, máng nhựa, máng inox... nhưng chú ý nên lựa chọn màu mận chín (đỏ mận) vì màu này kích thích heo con tới máng nhiều hơn.

 

Cho ít cám vào máng và đặt vào khu vực vui chơi của heo ngày 5 -6 lần, mỗi lần 1 - 2h sau đó bỏ máng ra khỏi chuồng.

Với chuồng nuôi ngoài dân ta cũng có thể sử dụng máng tập ăn tuy nhiên nên sử dụng máng gang (heo mẹ không thể ăn cũng như làm đổ cám ra khỏi máng) sau đó làm như đã hướng dẫn ở trên.

Ta cũng có thể sử dụng máng tự chế bằng lốp ôtô để làm máng tập ăn cho heo con. Đây là cách bà con chăn nuôi tận dụng để giảm thiểu chi phí chăn nuôi.

Hiện nay có một phương pháp hiệu quả được sử dụng phổ biến đó là rắc một lượng nhỏ thức ăn lên sàn chuồng (chú ý sàn cần khô và nằn ở khu sân chơi của heo), ngày cũng rắc 5- 6 lần tuy nhiên chỉ rắc cho heo ăn vào ban ngày đặc biệt khi nhiệt độ môi trường tăng.

Cần đặc biệt lưu ý trong giai đoạn này chuồng nuôi heo luôn luôn phải khô, ấm, thoáng gió, luôn có nước uống sạch và mát cung cấp cho heo con đặc biệt khi heo con bắt đầu tập ăn cho tới khi biết ăn hoàn chỉnh.

Trong giai đoạn này chúng ta cần chú ý tới việc phòng các loại vaccine để chuẩn bị cho các giai đoạn nuôi sau.

Ngoài ra trong giai đoạn này cần bổ sung thêm cho heo Fe (lúc 3 ngày tuổi), thuốc phòng cầu trùng (lúc 1 - 2 ngày tuổi), để hạn chế các bệnh trong giai đoạn này.

Giai đoạn chăn nuôi heo con giai đoạn theo mẹ là vô cùng quan trọng, nó góp phần nâng cao năng xuất cũng như hiệu quả chăn nuôi con giống và quyết định thành công trong giai đoạn nuôi thịt do vậy cần đặc biệt chú ý tới nhiệt độ và dinh dưỡng trong quá trình úm heo.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên