Bệnh tiêu chảy cấp (PED) do 1 loại ARN virus sợi đơn thuộc họ Coronavirus gây ra. Với kích thước thuộc loại khá lớn so với nhiều virus khác – từ 27 đến 30 kb. Virus có 2 type chính, type 1 thường gây bệnh cho heo sau cai sữa, type 2 gây bệnh cho heo con theo mẹ và heo hậu bị.
Tại đường tiêu hóa của heo (chủ yếu là đoạn không tràng và hồi tràng của ruột non), virus gây bệnh tiêu chảy cấp (PEDv) nhân lên trong các tế bào nhung mao ruột non làm cho lông nhung ruột hư hại, teo đi và ngắn hơn, dẫn đến giảm khả năng hoạt động của các men tiêu hóa trong ruột, từ đó giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng trong thức ăn hay trong sữa (đối với heo con).
Đây là cơ chế gây tiêu chảy trên heo.
Heo con theo mẹ do có hệ thống lông rung phát triển chưa hoàn thiện và sức đề kháng yếu nên khi virus gây bệnh tiêu chảy cấp tấn công thì nó là đối tượng bị lây nhiễm nhiều nhất (gần như 100%) và bị tổn thương nặng nhất. Ngoài ra, trong ruột heo con theo mẹ chủ yếu là sữa nên phân thường có màu vàng, nhiều nước (lỏng), mùi hôi và có cả sữa không tiêu hóa hết. Một thời gian ngắn sau khi tiêu chảy, heo bắt đầu có hiện tượng nôn, dịch nôn chủ yếu là sữa chưa tiêu hóa hết còn trong dạ dày và có màu trắng sữa, nhiều nước, vị chua (do sữa lên men).
Tiêu chảy quá nhiều kết hợp với nôn làm cho những heo con này mất nước nặng → heo lạnh, nằm chồng lên nhau và nằm lên bụng heo mẹ. Chúng sẽ chết trong vòng 3-4 ngày do mất nước. Khi chết, xác heo gầy kèm theo các triệu chứng như mắt lõm sâu.
Đặc điểm của PED:
- Mọi loại heo đều nhiễm bệnh
- Tiêu chảy và nôn
- Lạnh, nằm chồng lên nhau và thích nằm trên bụng mẹ
- Phân: heo con màu vàng lỏng và có chứa sữa chưa tiêu hóa hết, các loại heo khác phân màu xi măng
- Thành ruột mỏng
Kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED) như thế nào là tốt?
* Auto vaccine (gây nhiễm nhân tạo)
Với mục đích đẩy nhanh thời gian xuất hiện bệnh và kết thúc bệnh nhằm cắt dịch sớm.
Cách làm như sau:
- Chọn 1 heo con còn sống (từ 1-3 ngày tuổi) có biểu hiện dấu hiệu bệnh.
- Cắt lấy phần ruột non cùng với dịch chứa bên trong. Điều này rất quan trọng vì virus nằm trong tế bào nhung mao và tế bào bong tróc vào lòng ruột. Không sử dụng ruột đã bị mỏng và trong suốt vì không có đủ lượng virus gây bệnh tiêu chảy cấp (PED) bên trong.
- Nghiền nhỏ đoạn ruột vừa cắt ra, cho thêm vào đó 1 lit nước muối sinh lý và 6 gam kháng sinh bột để giảm tạp nhiễm (thường là Amoxicillin kết hợp với Colistin) trộn đều với nhau.
Một bộ huyễn dịch chỉ cho 25-30 heo nái trong các giai đoạn: heo hậu bị, heo nái đã cai sữa, heo nái mang thai < 13 tuần tuổi ăn với liều 20-50 ml/ 1 con, mỗi ngày 2 lần và ăn liên tục trong 5-7 ngày và ngừng cho heo nái ăn auto vaccine nếu có biểu hiện tiêu chảy.
Chú ý:
- Không cho heo nái > 13 tuần tuổi và nái đang nuôi con ăn vaccine vì miễn dịch không kịp sinh ra để bảo vệ heo con mà ngược lại còn truyền nhiễm bệnh cho heo con. Heo nái mang thai < 2 tháng tuổi có thể bị sẩy thai nếu ăn huyễn dịch này.
- Nên cho heo ăn lần 1 vào lúc 6h chiều và ăn cùng với cám khô để sau 12h tiêu hóa → khi heo có biểu hiện bệnh thì ta có thể theo dõi được vào ban ngày.
- Những heo nái nhiễm bệnh tiêu chảy cấp (PED) rồi thì không cho ăn auto vaccine nữa.
- Khi cho heo nái ăn auto vaccine vẫn phải tiêm thêm kháng sinh phòng bội nhiễm.
- Một thời gian sau khi bị dịch, trại tiếp tục nhập heo hậu bị thay thế đàn, trong quá trình nuôi cách ly, ta nên cho những heo này ngửi phân và nhau thai của những con nái cũ trong trại để hệ thống miễn dịch của vật làm quen với mầm bệnh và sinh ra miễn dịch thụ động cho chính con nái đó.
Sau khi ăn auto vaccine, những con nái đều có hiện tượng tiêu chảy nhẹ. Nếu không tiêu chảy thì cho ăn liều tăng lên đến khi có hiện tượng tiêu chảy thì ngừng.
Miễn dịch được sinh ra sau khi ăn auto vaccine 2-3 tuần, kháng thể sẽ truyền cho heo con, giúp heo con vượt qua 7 ngày đầu.
Một số lưu ý:
- Ruột heo ở trại nào chỉ hiệu quả với trại đó và chỉ hiệu quả với tình hình dịch tại thời điểm đó.
- Heo thịt chưa nhiễm bệnh thì không nên cho ăn.
- Cần tính toán, lấy ruột bảo quản trong ngăn đá đề phòng trường hợp thiếu ruột để làm auto vaccine.
- Loại thải những heo cai sữa có khối lượng < 4,5 kg.
* Quản lý tổng thể đẻ kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED
1. Ngăn chặn các mầm bệnh bệnh tiêu chảy cấp (PED) phát bằng các kháng sinh uống và tiêm kết hợp với bổ sung đường glucose 5%, điện giải, vitamin…
2. Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp cách ly từ dụng cụ phục vụ heo ốm, nước sát trùng cho mỗi ô chuồng cho đến con người (những người đang chăm sóc heo ốm hạn chế tối đa tiếp xúc với những người đang chăm sóc heo khỏe), đội xe trung gian vận chuyển cám (những xe này sẽ vận chuyển cám cho từng xe cám của từng khu vực trại).
3. Giảm tối đa stress cho heo: Đảm bảo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, yên tĩnh. Hạn chế bắt heo quá nhiều lần. Ví dụ: một lần bắt heo ta tận dụng làm nhiều thao tác như bơm nước muối sinh lý, tiêm thuốc bổ, tiêm hay uống kháng sinh phòng kế phát…sau đó mới thả heo xuống. Như vậy ta sẽ giảm được số lần bắt heo từ đó giảm stress cho heo.
4. Quản lý nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi: Đối với heo nhiễm bệnh tiêu chảy cấp (PED), nhiệt độ và ẩm độ đóng vai trò rất quan trọng trong việc con heo đó có thể vượt qua được và khỏe bệnh hay không. Cụ thể, thường khi heo tiêu chảy và nôn nhiều sẽ cảm thấy rất lạnh, nhất là với heo con. Nếu ta không đảm bảo đủ nhiệt độ cho chúng, thì khả năng sống sót là rất thấp. Tương tự như thế, môi trường ẩm ướt là điều kiện vô cùng thuận lợi cho PEDv phát triển, nếu ta không khống chế được ẩm độ trong các ô chuồng thì công tác dập dịch sẽ vô cùng khó khăn. Thông thường để hạn chế ẩm độ trong chuồng nuôi người ta sẽ dùng vôi bột trong quá trình vệ sinh sát trùng chuồng trại thay vì phun nước như bình thường.
5. Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Cân đối khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng (chủ yếu đối với các trại tự trộn thức ăn). Đối với heo nái đang nuôi con, cho ăn như bình thường. Đối với heo choai, giảm ½ khẩu phần ăn trong 4-5 ngày đầu tiên để giảm bội nhiễm và tránh lãng phí cám. Sau đó tăng dần lượng thức ăn để hỗ trợ phục hồi niêm mạc ruột. Ngoài ra có thể bổ sung các sản phẩm kích thích tăng miễn dịch vào trong khẩu phần ăn để hỗ trợ tăng sức đề kháng cho heo.
Như vậy, việc kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED) cần tiến hành đồng thời nhiều biện pháp tổng thể, trên quy mô toàn trại và trong cả khu vực xung quanh trại thì mới mang lại hiểu quả nhất định là lâu bền. Từ đó giảm thiểu tối đa những thiệt hại không đáng có do PED gây ra.