Bệnh Lở mồm long móng trên heo (Foot & Mouth disease – FMD) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có lịch sử lâu đời. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên năm 1897, do bác sỹ Friedrich Loeffler. Cho đến nay bệnh đã xuất hiện tại hầu hết các châu lục trên thế giới, bệnh được OIE xếp vào nhóm các bệnh nguy hiểm cần được báo cáo và kiểm soát. Hiện Việt Nam là một trong 7 nước nằm trong tiểu ban phòng chống FMD trên gia súc do OIE thành lập năm 1994: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Malaysia và Philipin (trước đó là nhóm phối hợp khống chế bệnh FMD của khu vực).

Cuối năm 2018, đầu năm 2019 vừa qua bệnh Lở mồm long móng (FMD) đã bùng phát và gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi heo nước ta.

Sơ lược về virus FMD và khả năng đề kháng ngoài môi trường của nó

Virus gây bệnh lở mồm long móng (FMD) được ghi nhận có 7 chủng virus gây bệnh gồm các typ A, O, C, SAT1, SAT2, SAT3 và Asia1. Ở vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam chủ yếu gây bệnh trên gia súc có 3 typ A, O và Asia1, tuy nhiên trên Heo được ghi nhận chủ yếu là typ O hai typ A và Asia1 ít ghi nhận gây bệnh trên heo.

Virus gây bệnh lở mồm long móng có nhiều typ và subtyp nhưng không có miễn dịch chéo, tức là heo mắc bệnh do chủng A gây ra, khi được tiêm phòng và tạo miễn dịch với chủng A nhưng sau đó virus chủng O xâm nhập vẫn có khả năng gây bệnh cho heo.

Virus FMD có khả năng đề kháng rất cao với môi trường:

Virus sống được trong đất ẩm có thể sống được hàng năm, trên lông gia súc có thể sống được 04 tuần, trong cỏ khô virus sống được 8-15 tuần. Trong tủy xương gia súc chết tồn tại được 40 ngày. Virus sống được 3 tháng trong thịt đông lạnh, 2 tháng trong thịt hun khói, giăm bông, xúc xích. Trong môi trường phân khô sống được 14 ngày (mùa hè), trong phân nhão (mùa đông) số được 06 tháng. Trong môi trường nước tiếu virus sống được 39 ngày. Trong đất virus sống được 3 ngày (mùa hè) và 28 ngày (mùa đông).

Với nhiệt độ cao, virus dễ bị tiêu diệt: ở 30-70oC virus sống được 4-9 ngày, ở 50oC virus chịu được 30 phút, ở 70oC virus chết sau 5-10 phút. Virus bất hoạt ở pH<6,5 hoặc pH>11. Với các chất sát trùng, phải là các chất sát trùng mạnh mới có khả năng tiêu diệt virus (như NaOH 1%, Folmol 2-5%...)

Bệnh lở mồm long móng gây bệnh trên heo ở tất cả các độ tuổi thường bùng phát vào thời điểm đầu mùa lạnh sau đó lây lan và gây bệnh rộng khắp vào các tháng tiếp theo.

Heo mắc bệnh lở mồm long móng có biểu hiển như thế nào?

Các biểu hiện chủ yếu là mụn nước ở mõm, lưỡi, môi, miệng, và giữa các ngón chân…khi mụn vỡ loét ra làm vật đi lại, ăn uống khó khăn. Ngoài ra các biểu hiện như sốt, trầm cảm, giảm tăng trọng, giảm năng suất…cũng chiếm một tỷ lệ nhất định. Heo con tỷ lệ tử vong cao. Heo trưởng thành tỷ lệ tử vong thấp nhưng hệ thống miễn dịch suy giảm mạnh.

Heo mắc bệnh lở mồm long móng (FMD) có biểu hiện mụn nước tại chân

Chân của heo con mắc bệnh lở mồm long móng

Hình: Biểu hiện mụn nước ở chân heo mắc bệnh lở mồm long móng.

Heo mắc bệnh lở mồm long móng sau đó bị tổn thương

Hình: Chân heo bị mắc lở mồng long móng sau đó bị tổn thương.

Với những đặc tính như vậy, bệnh Lở mồm long móng (FMD) đã gây nhiều thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi heo ở nước ta.

Với sự nguy hiểm của bệnh Lở mồm long móng (FMD) trên heo như vậy, việc kiểm soát FMD cần được các trại chăn nuôi đặc biệt quan tâm. Giải pháp kiểm soát hữu hiệu nhất hiện nay là kết hợp chương trình vaccine và an toàn sinh học.

Phương thức lây lan chủ yếu của bệnh là qua đường tiêu hóa, hô hấp và tiếp xúc trực tiếp; cũng có thể lây lan gián tiếp qua dụng cụ, di chuyển của con người, phương tiện. Mầm bệnh phát tán theo gió nên bệnh lây lan rất nhanh. Nguồn chứa virus là nước bọt, nước tiểu, phân, sữa, tinh dịch, hơi thở thú bệnh, thịt và phủ tạng thú bệnh, nước rửa chuồng trại, chất thải của chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, người vắt sữa mang virus,…

Do vậy việc kiểm soát ATSH là rất quan trọng, giúp hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhiễm vào trại. Ngoài việc kiểm soát ATSH, thì việc nâng cao sức đề kháng và khả năng miễn dịch cũng góp phần giúp heo chống lại virus khi tiếp xúc. Giải pháp vaccine vẫn được các chuyên gia khuyến cáo trong việc kiểm soát FMD trong chăn nuôi heo.      

 
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên