Cho lợn nái ăn thế nào để chúng mắn đẻ và đạt được hiệu suất chăn nuôi tối ưu, nhất là trong khoảng thời gian từ cai sữa đến động dục? Theo đó, khoảng thời gian kể từ khi đàn lợn con cai sữa, tách khỏi lợn mẹ (lợn nái) đến khi lợn nái động dục được tính từ số ngày bắt đầu cai sữa đến ngày đầu tiên lợn nái có biểu hiện đòi được phối giống trở lại.
Theo các chuyên gia, giai đoạn này chính là thời điểm quan trọng nhất của lợn nái để cho việc phối giống lứa mới đảm bảo năng suất sinh sản và duy trì năng suất đàn. Do nhu cầu dinh dưỡng cao trong thời kỳ tiết sữa, lợn nái có thể bị sụt giảm cân gây ra tình trạng chậm đòi phối giống, giảm tuổi thọ và giảm chất lượng sinh sản.
Dưới đây là một số mẹo được nghiên cứu, theo dõi lâu dài và đúc kết từ các chuyên gia về việc cho lợn nái ăn trong thời kỳ từ cai sữa đến động dục để cải thiện năng suất sinh sản và lợi nhuận chung của người chăn nuôi.
Hãy cân nhắc các chất dinh dưỡng cụ thể hơn là cho ăn đủ bữa
Nhiều người chăn nuôi lợn thực hành thường duy trì thói quen cho lợn nái ăn đủ bữa sau khi cai sữa để phục hồi nguồn năng lượng dự trữ trong cơ thể lợn nái bị mất trong quá trình tiết sữa và đảm bảo năng suất sinh sản tối ưu.
Tuy nhiên, việc cho lợn nái ăn theo công thức đầy đủ trong giai đoạn ngay sau cai sữa sẽ dẫn đến việc gây lãng phí thức ăn chăn nuôi và đội chi phí thức ăn. Trên thực tế và kết quả nghiên cứu cho thấy, việc này chỉ hỗ trợ cải thiện một chút hoặc không cải thiện được năng suất sinh sản, cũng như không mang lại lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi.
Do đó, người chăn nuôi lợn nái nên bổ sung vào khẩu phần ăn của lợn nái các loại đường đơn như glucose và dextrose để cung cấp cho lợn nái một khẩu phần ăn giàu carbohydrate, nhằm kích thích sự phát triển của nang trứng và chất lượng nang trứng do các thành phần này tiết ra insulin và các yếu tố tăng trưởng insulin.
Cho lợn nái ăn một chế độ chất lượng cao
Khi đề cập đến dinh dưỡng, công thức để chăn nuôi thành công bao gồm tất cả mọi thứ mà lợn nái cần bao gồm năng lượng, protein, axit béo thiết yếu, vitamin và các khoáng chất. Nếu không có tất cả các thành phần dinh dưỡng nền tảng cơ bản này, lợn nái sẽ không thể đáp ứng các yêu cầu của chúng đối với sự phát triển và duy trì thể trạng cũng như sự phát triển của bào thai.
Ngoài ra, hậu quả tiềm ẩn của việc cho đàn lợn sinh sản ăn khẩu phần chất lượng thấp sẽ làm sụt giảm tỷ lệ thụ thai, lứa đẻ ít con hơn và giảm khối lượng sinh, sản lượng sữa thấp hơn, tăng khoảng thời gian cai sữa đến động dục và rút ngắn vòng đời của lợn nái.
Tăng tần suất cho ăn
Hãy cho lợn nái ăn từ 2 lần trở lên mỗi ngày so với chỉ một lần để duy trì độ tươi ngon của thức ăn và thúc đẩy quá trình tiêu hóa mạnh hơn. Ngoài ra, việc tăng tần suất cho lợn nái ăn từ một lần lên 2 hoặc 3 lần mỗi ngày có thể làm giảm tỷ lệ chết non của lợn con và tăng số con trong mỗi lứa đẻ sau khi cai sữa.
Hãy cho lợn nái “tiếp cận không giới hạn” với nguồn nước sạch
Nước là chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với lợn nái. Nếu thiếu nước chúng sẽ chỉ sống được trong một thời gian ngắn. Vì vậy việc duy trì chất lượng nước tốt và khả năng tiếp cận nước sạch dễ dàng không giới hạn sẽ thúc đẩy quá trình tiêu thụ thức ăn nhiều hơn và kết quả là lợn nái khỏe mạnh hơn và tăng hiệu quả sinh sản.
Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào liên quan đến chất lượng nước uống, chủ trang trại cần lấy mẫu để phân tích nước và xác minh rằng nó có thể chấp nhận được đối với lợn nái hay không. Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước, bao gồm các yếu tố vi sinh, vật lý và hóa học.
Tối ưu hóa sự thoải mái cho lợn nái
Lợn nái có khả năng thích nghi cao và sẽ hoạt động tốt trong một phạm vi nhiệt độ được quy định theo thuật ngữ vùng (zone). Vùng nhiệt độ là một phạm vi nhiệt độ dao động trong khoảng từ 12,7º C đến 23,8º C – mức mà trong đó lợn có thể duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường.
Trong mùa hè, nên giữ mát cho lợn nái để kích thích khả năng tăng tiêu thụ thức ăn. Theo đó, việc lắp đặt hệ thống làm mát sẽ giúp tăng khả năng tiêu thụ thức ăn cho lợn nái lên 19,8% và giảm tỷ lệ giảm sụt trọng lượng của lợn nái xuống 78%.