Bệnh Lở mồm long móng (FMD) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, được tổ chức thú y thế giới OIE xếp vào danh sách bảng A. Bệnh do virus gây ra trên heo và các loại động vật móng guốc chẵn như trâu, bò, dê, cừu,... Đây là bệnh cấp tính gây sốt cao với đặc trưng nhận diện là các mụn nước hình thành ở lỗ mũi, mũi, móng chân, vú, ... Bệnh có tỷ lệ nhiễm rất cao lên tới 100%, tuy nhiên tỷ lệ chết trên heo nái, heo thịt không cao (thường là từ 2-5%), tỷ lệ chết và loại trên heo con có thể lên tới 100%.
Hình: Phần chân của heo khi mắc bệnh LMLM
Nguyên nhân 01: Tốc độ lây lan nhanh rất nhanh và rộng
Virus gây bệnh lở mồm long móng có kích thước rất nhỏ và có khả năng đề kháng cao với các điều kiện môi trường, mầm bệnh phát tán rất nhanh qua gió, dụng cụ chăn nuôi, công nhân chăm sóc heo, do vậy chỉ từ 1 ổ dịch nhỏ trong trại là gần như 100% các khu vực trong trại sẽ nổ dịch ngay sau đó.
Đồng thời virus phát tán theo gió, các phương tiện vận chuyển, qua các sản phẩm từ thịt heo, qua phân hay các chất tiết từ heo đang bệnh hoặc mang trùng lây lan nhanh chóng sang các trại xung quanh (mỗi ngày 1 heo ủ bệnh có thể bài thải ra môi trường gần 1 tỷ virus).
Nguyên nhân 02: FMD làm tăng chi phí sản xuất
Mặc dù heo bị bệnh FMD thường ở thể cấp tính nhưng tỷ lệ chết thấp, heo thường không chết ngay, heo sẽ sốt cao, bỏ ăn, xuất hiện mụn nước ở miệng, vú và chân ngày một nhiều, dẫn tới chi phí sản xuất tăng nhanh chóng.
• Chi phí nhân công chăm sóc heo bệnh: heo mắc bệnh thường giảm ăn (do nhiều mụn nước ở miệng và sốt cao), đi lại khó khăn nên cần có chế độ chăm sóc đặc biệt.
• Chi phí thuốc thú y: Chi phí thuốc sát trùng, thuốc bổ, thuốc giảm sốt, thuốc kháng sinh phòng bệnh kế phát, …
• Chi phí tiêu hủy heo bệnh.
Trong 03 nhóm chi phí lớn trong việc điều trị FMD thì chi phí về nhân công chiếm lớn nhất, với 1 trại nổ dịch FMD thông thường việc cấm trại và thực hiện sát trùng nghiêm ngặt phải mất 4-6 tháng.
Nguyên nhân 03: Thiệt hại đầu con
Với FMD chúng ta đều biết, bệnh có tỷ lệ nhiễm rất cao nhưng tỷ lệ chết thấp trên heo trưởng thành. Tuy nhiên bệnh FMD gây suy giảm miễn dịch, trại heo mắc bệnh FMD sau đó thường bị kế phát các bệnh thường trực trong trại như tai xanh (PRRS), Ecoli, Salmonella, suyễn, liên cầu khuẩn, tụ huyết trùng, APP, ... sẽ gây thiệt hại đầu con đáng kể trên heo. Bệnh FMD còn đặc biệt nguy hiểm trên heo con, tỷ lệ chết và loại có thể lên tới 100% (do virus gây viêm và hoại tử cơ tim). Số heo nái bị loại thải sau FMD cũng lên tới 40%.
Hình: Heo con mắc bệnh LMLM
Nguyên nhân 04: Chi phí do heo giảm năng suất, giảm tăng trọng
Với heo nái và heo đực giống (heo nọc) năng suất giảm đáng kể khi trại nổ dịch FMD
- Số heo con đẻ ra giai đoạn này gần như chết và loại hoàn toàn
- Số nái sảy thai tăng nhiều do virus xâm nhập qua nhau thai và giết chết heo con từ trong bào thai, do vậy gần như tất cả các giai đoạn mang thai đều có hiện tượng sảy thai và đẻ non.
- Ngoài ra việc xuất hiện nhiều mụn nước ở vú cũng kích thích các bệnh kế phát tại đây, từ đó ảnh hưởng tới năng suất của nái sau này.
- Với heo thịt, việc sốt cao, giảm ăn và sử dụng nhiều kháng sinh phòng bệnh kế phát sẽ làm tốc độ tăng trọng của heo giảm mạnh và kéo dài thời gian nuôi, dẫn tới thiệt hại kinh tế kép (bán heo với giá thấp hơn, heo giảm tăng trọng, tăng chi phí thức ăn, thuốc thú y, khấu hao chuồng trại, điện nước, công nhân chăm sóc, …)
Nguyên nhân 05: Giảm giá trị về kinh tế, thiệt hại thương hiệu
Việc trang trại nổ dịch, đặc biệt FMD là một bệnh có nhiều biểu hiện điển hình để các thương lái nhận ra. Từ đó giá bán sẽ thấp hơn mặt bằng chung của thị trường trong vùng.
Việc công bố trại có dịch (FMD là bệnh bắt buộc phải công bố) sẽ ảnh hưởng tới việc vận chuyển heo ra vào vùng dịch. Từ đó giá heo thịt hay heo giống trong vùng dịch cũng sẽ bị kéo thấp hơn khu vực khác do cấm vận chuyển heo ra vùng dịch.
Với các trại heo giống, việc để nổ dịch FMD sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thương hiệu. Giảm uy tín của trại, nếu việc xử lý truyền thông không thực sự tốt hoặc việc thiếu trung thực trong việc làm các giấy kiểm dịch khi xuất heo giống ra thị trường gây phản ứng “tiêu cực” và “phẫn nộ” từ cộng đồng có thể dẫn tới việc đóng cửa trang trại.
Với những thiệt hại nêu trên ta thấy FMD là một trong nhiều bệnh cần được kiểm soát chặt chẽ, việc có vaccine phù hợp với chủng gây bệnh ở Việt Nam đã giúp chúng ta phần nào trong việc kiểm soát FMD tại trại