Dịch tiêu chảy cấp trên heo (PED) là bệnh do virus thuộc họ Coronaviridae gây ra. Bệnh bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2008 và gây thiệt hại nghiêm trọng trên hầu hết các trại chăn nuôi heo. Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, chúng tôi viết bài báo này nhằm cung cấp cho quý khách hàng một số kiến thức cơ bản về bệnh cũng như hướng giải quyết nhanh chóng dịch bệnh này.
PED xảy ra trên heo mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt nặng nề ở heo con theo mẹ dưới 1 tuần tuổi. Bệnh lây lan và bùng phát một cách nhanh chóng. Virus xâm nhập trực tiếp qua đường tiêu hóa, nhân lên trong tế bào nhung mao ruột làm cho nhung mao bị hư hại. Từ đó, làm giảm hấp thu nước và các chất dinh dưỡng, heo bị thiếu năng lượng, mất nước, tiêu chảy và chết nhanh chóng.
Trên heo con theo mẹ: tiêu chảy rất nặng, phân màu vàng, tanh. Heo bú ít hoặc bỏ bú và ói mửa. Heo sụt cân nhanh, trở nên gầy ốm do mất nước. Da nhăn, lông dài, thân nhiệt giảm vì vậy heo con thường nằm chồng lên nhau hoặc nằm lên bụng mẹ.
Heo con nhiễm PED nằm chồng lên nhau
Tiêu chảy do PED trên heo vỗ béo, heo nái
Heo con dưới 7 ngày tuổi có thể chết sau 2-3 ngày nhiễm bệnh với tỷ lệ có thể lên đến 100% nếu không được cấp nước và điện giải kịp thời. Heo trên 7 ngày tuổi có thể sống sót nhưng heo sẽ còi cọc, chậm lớn.
Trên heo cai sữa và heo vỗ béo và heo nái đã có sức đề kháng hơn nên tỷ lệ chết không cao nhưng tỷ lệ mắc bệnh vẫn cao. Triệu chứng thường gặp là tiêu chảy với phân màu xanh xám hoặc hơi vàng, có bọt khí và mùi tanh không có máu và chất nhầy.
Khi thấy các triệu chứng và bệnh tích như trên, thì nguyên nhân do bệnh PED chiếm khoảng 89 – 90%. Dùng test nhanh để thử hoặc gửi mẫu phân đến phòng xét nghiệm để có kết quả chính xác nhất.
Thành ruột non mỏng, dạ dày chứa sữa không tiêu
Đối với heo con dưới 7 ngày tuổi nên lấy ruột để làm auto vaccine
Auto-Vaccine
Auto-vaccine được thực hiện với mục đích đẩy nhanh thời gian xuất hiện và kết thúc bệnh nhằm cắt dịch sớm.
Mỗi bộ ruột cho khoảng 15 – 20 con nái ăn. Miễn dịch được sinh ra sau khi ăn 2-3 tuần, kháng thể sẽ được truyền cho heo con qua sữa đầu.
Chú ý: Không cho nái mang thai trên 13 tuần và nái đang nuôi con ăn vì miễn dịch không kịp sinh ra để bảo vệ heo con, ngược lại còn truyền bệnh cho heo con. Nái mang thai nhỏ hơn 2 tháng tuổi có thể bị sảy thai nếu ăn huyễn dịch này.
- Điều trị hỗ trợ tăng sức đề kháng được áp dụng đối với heo con 7 ngày tuổi trở lên. Nếu chăm sóc tốt, heo có thể hồi phục sau 2 – 3 tuần.
- Giữ ấm cho heo con
- Cho uống điện giải hoặc truyền trực tiếp Lactate Ringer vào xoang bụng.
- Sử dụng thuốc chống ói (vitamin B6), nếu thấy có triệu trứng nôn ói.
- Bổ sung men tiêu hóa vào thứ ăn, nước uống.
- Hỗ trợ thêm kháng sinh (Colistin, Apramycin, Enrofloxacin…) để chống phụ nhiễm.
- Đặc biệt đàn heo nái, heo thịt và heo cai sữa: cho nhịn ăn từ 0,5 - 1 ngày, cho uống điện giải và men tiêu hóa. Sau đó cho ăn lại từng chút một và tăng dần khẩu phần trở lại mức bình thường.
- Phòng ngừa bằng biện pháp an toàn sinh học là hành động tối ưu nhất để ngăn chặn dịch bệnh này:
Tăng cường vệ sinh sát trùng, hạn chế khách tham quan và phương tiện vận chuyển ra vào trại.
Xe vận chuyển trong trại sau khi vận chuyển heo phải được rửa, sát trùng, để khô mới được vận chuyển heo tiếp.
Thực hiện phương pháp chăn nuôi “ Cùng vào, cùng ra”.
Quản lý nghiêm ngặt từ dụng cụ chăn nuôi cho đến con người khi đã tiếp xúc với heo bệnh.
Giảm stress cho heo, đảm bảo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, yên tĩnh.
Quản lý tốt nhiệt độ và độ ẩm trong chuồng nuôi. Đặc biệt phải ủ ấm cho heo con để heo có thể vượt qua bệnh và khỏe mạnh trở lại.
(Vet Team)