Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng cao trực tiếp tác động đến giá TACN thành phẩm, ảnh hưởng không nhỏ tới người chăn nuôi, giải pháp "hạ nhiệt" giá TACN lúc này đang là vấn đề được người chăn nuôi mong chờ nhất. Theo Ông Tống Xuân Chinh, Cục Phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), việc giá nguyên liệu TACN của thị trường quốc tế tăng giá kỷ lục là do tăng giá năng lượng, mà chủ yếu là do hậu quả của xung đột giữa Nga – Ukraine đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng. So với cùng kỳ tháng 3/2021, giá nguyên liệu TACN tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc: Ngô hạt 10.200 đ/kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đ/kg (tăng 33,4%),DDGS (dã ngô) 10.300 đ/kg (tăng 23,1%), lúa mì 9.850 đ/kg (tăng 49,5%). Dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022.

Do giá nguyên liệu TACN tăng mạnh nên giá TACN công nghiệp (TACN thành phẩm) trong nước cũng tăng theo. So với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng 12.500 đ/kg (tăng 18,4%); thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đ/kg (tăng 24,5%); thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100đ/kg (tăng 29,8%). Việt nam không có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất nguyên liệu ngũ cốc dùng trong chăn nuôi.

Giải pháp “cứu cánh” trong bối cảnh hiện nay

Theo báo cáo của Viện Chăn nuôi, tại Việt Nam chi phí thức ăn chiếm khoảng 80-85% giá thành chăn nuôi. Nếu áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng thức ăn, chỉ cần giảm được 3% chi phí về thức ăn cũng đã giảm được 2% giá thành sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, giải pháp sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương và tối ưu khẩu phần ăn cho vật nuôi là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Ông Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Phương pháp tự phối trộn được xem là giải pháp tình thế phù hợp với tình hình thị trường chăn nuôi hiện nay. Tùy theo nguồn nguyên liệu, phế phụ phẩm sẵn có tại từng địa phương, chúng tôi đưa ra những khẩu phần riêng cho từng vùng để bà con nông dân áp dụng, tự phối trộn TACN, lấy công làm lãi. Áp dụng biện pháp này, người nuôi vẫn có thể phát triển đàn lợn tốt mà vẫn đảm bảo được kinh tế. Đặc biệt, với việc tự phối trộn TACN, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được chất lượng thức ăn, nâng cao chất lượng thịt”, ông Thiếu chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Viện Chăn nuôi, việc sử dụng thóc, gạo lật (loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo) có thể thay thế được từ 40 – 60% tỷ lệ ngô trong khẩu phần ăn gia súc, gia cầm. Đây cũng là yếu tố góp phần hạ nhiệt giá thành trong bối cảnh giá ngô tăng cao như hiện nay, tối thiểu từ 400 – 1.000 đồng/kg.

Giải pháp giảm protein trong khẩu phần ăn cho lợn và gia cầm trên cơ sở cân đối các axit amin thiết yếu làm giảm chi phí thức ăn mà không làm giảm thành tích chăn nuôi, ngoài ra còn làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Kết hợp giải pháp giảm protein trên cơ sở cân đối các axit amin thiết yếu trong khẩu phần với giải pháp thay thế ngô bằng thóc nghiền sẽ giảm đáng kể giá thành thức ăn trong bối cảnh hiện nay, khi mà giá nguyên liệu ngô và đậu tương ngày càng tăng cao.

Tại một số mô hình chăn nuôi lợn thịt tại Tiền Giang, Lào Cai… việc áp dụng phương pháp sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cám dừa, cám gạo đã giúp người chăn nuôi giảm giá thành sản phẩm từ 3.000 – 5.000 đồng/kg tăng trọng. Mô hình chăn nuôi lợn bản địa áp dụng công thức tự phối trộn thức ăn từ nguyên liệu tự có ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế đã giúp giảm chi phí thức ăn từ 10 – 15%/ nái/ năm so với thức ăn hỗn hợp thương mại.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt quan tâm tới kết quả nghiên cứu của Viện Chăn nuôi. Đây là biện pháp góp phần hạ giá thành sản phẩm từ 400 – 1.000đ/kg, được xây dựng thành công thức cụ thể cho từng nhóm vật nuôi như lợn thịt, lợn nái, gà đẻ lông màu.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên