Ngành thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước trải qua một đợt biến động tăng giá chưa từng có, trải qua 8 đợt tăng năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2022, tiếp tục tăng 15 -20% so cuối năm 2021 và tăng 50 - 55% so cùng kỳ năm trước. Giá thức ăn tăng trong khi giá sản phẩm hầu như không tăng hoặc tăng rất ít khiến người chăn nuôi gặp vô vàn khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ lớn, nhất là những hộ vay vốn ngân hàng.

Đi tìm nguyên nhân

Theo quan điểm của một số tập đoàn lớn trên thế giới như Danisco Animal Nutrition, Hamlet Protein, Lallemand Animal Nutrition, Novus và Cargill Animal Nutrition..., nguyên nhân của đợt tăng giá TĂCN kéo dài thời gian qua là do tác động kép của một loạt yếu tố sau:

- Một là, hạn chế nguồn cung do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi nên năng suất và sản lượng các loại ngũ cốc làm TĂCN ở các khu vực trồng chính trên thế giới như các nước Nam Mỹ, một số nước châu Âu đều giảm. Cùng với cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới) và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 4 thế giới) làm giảm nguồn cung, khiến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới vốn đã tăng cao thời gian qua tiếp tục tăng nóng.

- Hai là, tiếp tục đứt gẫy chuỗi cung ứng do xuất hiện các chủng mới của đại dịch COVID-19: Mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine của phần lớn các nước đã đạt khá cao nhưng sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã làm cho số ca mắc tăng trở lại khiến nhiều nước tái áp dụng các hình thức đóng cửa, khiến chuỗi cung ứng đã có dấu hiệu cải thiện cuối năm 2021 lại tiếp tục bị tắc nghẽn, đứt gãy như 2 năm vừa qua. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng có ảnh hưởng tiêu cực ở nhiều khía cạnh liên quan đến giá nguyên liệu thức ăn toàn cầu.

- Ba là, do giá xăng, dầu thế giới tăng liên tục trong thời gian dài. Giá xăng dầu tháng 3/2022 tăng khoảng 35% so tháng 12/2021 và tăng 80 - 85% so cùng kỳ khiến chi phí vận chuyển, logistics tăng theo. 

- Bốn là, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động nhiều mặt đến thị trường hàng hóa toàn cầu, trong đó có 2 yếu tố tác động trực tiếp đến giá TĂCN, đó là xăng dầu và nguyên liệu sản xuất thức ăn. Ngoài tác động lên giá dầu thì cuộc xung đột này còn tác động lớn đến giá lương thực thế giới, trong đó có các loại lương thực làm TĂCN vì Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% sản lượng lúa mỳ, 19% sản lượng ngô và 80% dầu hướng hướng dương xuất khẩu toàn cầu. Ngoài tác động chung của thị trường toàn cầu, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng trực tiếp tự cuộc xung đột này vì Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất TĂCN (lúa mỳ khoảng 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu; Ngô chiếm 3% tổng nhập khẩu…).

Ngoài những nguyên nhân trên, một số yếu tố bất lợi khác cũng góp phần đẩy giá TĂCN lên cao như: Lạm phát toàn cầu năm 2022 đang đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây, trong đó phải kể đến 2 thị trường lớn, đó là Mỹ với mức lạm phát 7% và EU 5% khiến hầu hết mặt hàng tăng giá. Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch do chính sách nhập cư bị thiết chặt khiến các cơ sở sản xuất nguyên liệu thức ăn, đặc biệt là thức ăn bổ sung (phụ gia, premix…) giảm sản lượng, tăng giá bán.

Sẽ còn tiếp tục tăng

Theo dự báo của Animal Feed Market, giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới thời gian tới tiếp tục tăng, mức độ tăng phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: Khả năng kiềm chế đại dịch COVID-19; Giá xăng dầu; Và xung đột Nga - Ukraine. Yếu tố đầu tiên dự báo sẽ được cải thiện trong 3 tháng tới, 2 yếu tố sau có mối tương quan chặt chẽ và rất khó dự đoán. Tuy nhiên chỉ cần một trong 3 yếu tố trên được cải thiện đều có tác động tốt đến giá TĂCN toàn cầu. Tại Việt Nam, dựa trên cơ sở diễn biến của các yếu tố chung trên thế giới, Bộ NN&PTNT dự báo, giá TĂCN có thể tăng tiếp trong thời gian tới, tiếp tục ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi.

Tháo gỡ cách nào?

  • Giải pháp trước mắt

Chính phủ tiếp tục giảm thuế các mặt hàng liên quan đến nguyên liệu sản xuất TĂCN: Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu đối với lúa mì từ 3% xuống 0% và ngô từ 5% xuống 2%, tuy nhiên tác động này là chưa đủ, cần tiếp tục giảm thuế nhập khẩu ngô xuống 0%, đồng thời giảm thuế tất cả mặt hàng liên quan đến TĂCN như đậu tương, khô dầu các loại, phụ gia... Ngoài ra, để giảm giá TĂCN, Chính phủ cần có chính sách giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất TĂCN như: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường...

  • Giải pháp lâu dài

- Thứ nhất, sớm hiện thực hóa chủ trương phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN trong nước. Thay vì chỉ hô hào chủ trương, Bộ NN&PTNT cần sớm xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN, cùng với chiến lược chung là các đề án cụ thể gắn với từng địa phương, từng vùng. Huy động mọi nguồn lực, trong đó chú trọng nguồn lực xã hội hóa tham gia các đề án. Nhà nước cần ban hành chính sách hỗ trợ các đơn vị tham gia sản xuất TĂCN vì hiện tại việc sản xuất nguyên liệu thức ăn trong nước có lợi nhuận rất ít, thậm chí bị lỗ vốn.

- Hai là, Bộ NN&PTNT cần xây dựng chiến lược cơ cấu lại các loại vật nuôi trong nước theo hướng tăng các loại vật nuôi sử dụng ít thức ăn tinh như đại gia súc, dê, thỏ..., giảm số lượng heo, gia cầm trên toàn quốc.

- Ba làtiếp tục hoàn thiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống logistics, cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm chăn nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ chế biến sản phẩm chăn nuôi… nhằm giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành, bảo đảm nguồn cung, ổn định sản xuất trong nước.

- Bốn là, tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước thông qua ban hành các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ xây dựng một số doanh nghiệp, tập đoàn trong nước về lĩnh vực nhập khẩu và sản xuất TĂCN đủ mạnh để cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên