Tổng Cục Xuất nhập khẩu, do nhu cầu yếu nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam có xu hướng giảm trong quý III/2021. Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý III/2021, Việt Nam nhập khẩu 183,56 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 335,72 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 16,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga, Hoa Kỳ, Brazil, Đức và Ấn Độ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.
Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, trong quý III/2021, Việt Nam nhập khẩu 42,02 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 96,68 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga, Brazil, Đức, Canada và Hà Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam. Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong quý III/2021 với 15,88 nghìn tấn, trị giá 43,48 triệu USD, giảm 5,1% về lượng và giảm 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, dự kiến thời gian tới, giá lợn hơi trong nước sẽ phục hồi, nhưng sẽ không có biến động lớn do lượng tiêu thụ lợn vẫn còn thấp so với mức bình quân trước khi xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Ngoài ra dịp Tết nguyên đán là thời điểm được kỳ vọng giá lợn hơi tăng bởi nhu cầu của người dân cao.
Để đảm bảo cung cầu, song song với tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ để khôi phục sản xuất; có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.