Trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngoài việc đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất, thì việc xây dựng chuỗi khép kín, thu hút doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng rất quan trọng. Những giải pháp đồng bộ này sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất gắn chặt với thị trường, tạo vị thế cho nông sản Việt bứt phá…
Để ngành Nông nghiệp phát triển ổn định, không còn cảnh “được mùa – mất giá” và nông sản Việt không bị “lép vế” trên thị trường thế giới, các địa phương cần phát triển theo quy hoạch. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Các địa phương phải tuân thủ phát triển sản xuất theo quy hoạch, không để xảy ra tình trạng “phá rào” như hiện nay. Trước hết, các tỉnh, thành phố tăng cường thẩm định những dự án nông nghiệp trên địa bàn để quản lý chặt chẽ quy hoạch. Đối với các dự án không nằm trong quy hoạch hoặc không khả thi, cần xem xét kỹ trước khi cho phép triển khai thực hiện. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền vận động người dân không chạy theo lợi nhuận hoặc “tâm lý đám đông” khi cùng nuôi, cùng trồng một loại sản phẩm mà không nắm bắt kỹ nhu cầu thị trường.
Giá lợn giảm kỷ lục khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn
Song song công tác quy hoạch, theo bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH, việc quy hoạch phải tính đến quy mô lớn theo vùng, khu vực; đồng thời cần tăng thời gian cho kế hoạch sử dụng đất từ 5 năm như hiện nay lên 10 năm hoặc lâu hơn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất…
Tập trung hình thành những vùng sản xuất lớn với sản phẩm chất lượng đáp ứng các điều kiện xuất khẩu là hướng đi bền vững. Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực (Bộ NN&PTNT) Đào Thế Anh nêu: Vấn đề quan trọng hiện nay là các ngành chức năng cần hướng dẫn nông dân sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng. Thực tế cho thấy, thời gian qua, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lao đao vì thua lỗ nặng, nhưng các mô hình chăn nuôi hữu cơ vẫn “trụ vững”.
Ông Nguyễn Đại Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, với quy mô hàng trăm lợn nuôi theo quy trình hữu cơ, công ty ký hợp đồng trực tiếp với siêu thị, cửa hàng tiện ích nên dù giữa “cơn bão” sụt giá vừa qua, sản phẩm của công ty vẫn không bị ảnh hưởng và tiêu thụ với mức giá ổn định.
Tuy nhiên, với nền sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, trước mắt Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn, mô hình trồng trọt theo hướng thực hành tốt (GAP).
Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường
Ứng dụng khoa học kỹ thuật luôn là yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng và năng suất trong sản xuất. Tuy nhiên, thực tiễn và những bất cập của ngành Nông nghiệp nước ta hiện cho thấy, công tác này đang có nhiều hạn chế. Ông Hoàng Trọng Thủy – chuyên gia nông nghiệp nông thôn cho rằng, Nhà nước nên ưu tiên vốn ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học để có nhiều công nghệ mới ứng dụng vào thực tiễn; đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí, trợ giá, ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế… cho nông hộ, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
Ngoài ra, ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (đơn vị chuyên sản xuất gạo hữu cơ thương hiệu Hoa Sữa) chia sẻ: Để xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt hiệu quả cao, các bộ, ngành cần tham mưu với Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn trong gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần hỗ trợ cho doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, từng bước hạn chế xuất khẩu thô nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.
Ở góc độ vĩ mô, để khắc phục tình trạng sản xuất nông sản tự phát, ồ ạt khiến đầu ra bế tắc, lệ thuộc như thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các bộ, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, không chạy theo số lượng hay trào lưu mà sản xuất theo kế hoạch, thực hiện liên kết chuỗi gắn với thị trường. Đồng thời rất cần sự giúp sức của các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu thị trường sát cánh cùng người nông dân. Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm, tạo vị thế tương xứng trên thị trường trong nước và thế giới phải được quan tâm hơn nữa.
“Xốc” lại để nhận rõ hướng đi phù hợp trong xu thế hội nhập, không để sản xuất nông nghiệp rơi vào tình trạng khủng hoảng “thừa”, “thiếu” do phát triển tự phát, nuôi, trồng theo trào lưu rất cần một “nhạc trưởng”. Trách nhiệm đó không phải của ai khác, chính là của Bộ NN&PTNT. Việc tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, hướng vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho nền nông nghiệp phát triển bền vững đã là yêu cầu cấp bách!