Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 – 7%.
Thiệt hại chưa từng có
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố) đã gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là nông nghiệp.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tính đến ngày 18/9/2024, tổng số thiệt hại gia súc 22.808 con; gia cầm 3.097.954 con, trong đó 5 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất gồm: Hải Phòng (5.3350 con gia súc, 1.036.238 con gia cầm); Quảng Ninh (2.040 con gia súc, 345.217 con gia cầm); Yên Bái (7.263 con gia súc, 346.257 con gia cầm); Hà Nội (3.599 con gia súc, 373.789 con gia cầm); Thái Nguyên (522 con gia súc, 280.625 con gia cầm).
Ngay sau bão, Cục Chăn nuôi đã thành lập các đoàn công tác đi khảo sát, chỉ đạo khắc phục tại 7 tỉnh thiệt hại nặng nhất (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc). Kết quả cho thấy, nhiều trang trại bị tốc mái, đổ tường, sạt lở, mất điện kéo dài. Một số trại bị chia cắt không thể tiếp cận.
Đàn vật nuôi chết nhiều do tốc mái, không còn mái che, gặp mưa hoặc vùng bị ngập không kịp di dời, nước lũ dâng lên nhanh; mất điện do máy phát điện hỏng hoặc bị mất nguồn. Không chỉ vậy, thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng tại nhiều địa phương cũng bị cuốn trôi hoặc hư hỏng.
Phát biểu tại Hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 3 diễn ra ngày 21/9 vừa qua, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay các địa phương vẫn chưa đánh giá được hết những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, chuồng trại do bão. Trước mắt, các địa phương, đặc biệt là nông hộ mong muốn nhận được hỗ trợ đền bù thiệt hại theo đúng quy định; xem xét hỗ trợ vốn đầu tư, giãn nợ, giảm lãi suất; hỗ trợ hóa chất tiêu độc khử trùng, con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vaccine phòng bệnh để sớm tái đàn…
Phó Cục trưởng Phạm Kim Đăng thông tin, đến nay, Cục Chăn nuôi đã kêu gọi được hơn 50 doanh nghiệp tài trợ tiền mặt, con giống, thức ăn… Điển hình như Tập đoàn De Heus hỗ trợ 2 tỷ đồng gồm thức ăn chăn nuôi, con giống; Tập đoàn C.P 1,2 tỷ đồng; Công ty Vinamilk 3,5 tỷ đồng; CJ Vina 10 tấn thức ăn; Tập đoàn Dabaco 555 triệu đồng; Amavet 410 triệu đồng; Cargill 300 triệu; Japfa 260… Tổng hỗ trợ khoảng gần 79 tỷ đồng.
Bà Tô Thị Minh Huyền, đại diện Tập đoàn TH bày tỏ, chúng tôi thấu hiểu thiệt hại của người dân sau bão số 3. Chắc chắn chúng ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới có thể khôi phục mọi thứ như ban đầu. Tập đoàn TH có diện tích sản xuất khoảng 10.000 ha, trong đó nhiều diện tích cũng bị thiệt hại do cơn bão vừa rồi, song chúng tôi vẫn luôn cố gắng đồng hành hỗ trợ cùng bà con để khắc phục thiệt hại nhanh nhất.
Xử lý môi trường, ổn định sản xuất
Liên quan đến vấn đề khôi phục đàn vật nuôi sau bão lũ, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, vấn đề đáng lo nhất hiện nay là môi trường bị ô nhiễm khiến cho nhiều loại dịch bệnh rất dễ bùng phát, lây lan. Do vậy, Cục trưởng Cục Thú y đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành ngay văn bản chỉ đạo, đề nghị các địa phương triển khai biện pháp tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường; hỗ trợ người chăn nuôi rà soát, tiêm phòng ngay cho đàn gia súc, gia cầm để không phát sinh dịch bệnh. Ông Long cũng đề xuất Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vaccine, thuốc thú y không tăng giá và có chính sách giảm giá để đồng hành cùng người chăn nuôi vượt qua khó khăn sau bão số 3.
Để sớm khôi phục đàn vật nuôi, Cục Chăn nuôi khuyến cáo người nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ loại vaccine theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, khai thác, tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có nhằm cung cấp đầy đủ cho vật nuôi sau mưa lũ. Đối với gia súc già yếu và gia súc non, cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình hồi phục; nước uống phải sạch và đầy đủ.
Đồng thời, người chăn nuôi cần đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Khi nước rút, thực hiện vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết, xử lý sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị bão, lũ ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các mầm bệnh.
Ngoài ra, cần thực hiện tốt quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm ở những khu vực bị ô nhiễm; chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh,…
Cùng với đó, tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường. Tăng cường cán bộ các thôn, xã cùng với lực lượng thú y cơ sở kiểm tra cơ sở chăn nuôi để hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do bão, lũ. Tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài, vùng có nguy cơ cao, tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các hộ chăn nuôi…