Hôm 8/2, thông qua tài khoản WeChat, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), tức cơ quan hoạch định chính sách của Bắc Kinh, thông báo giá thịt heo đã "lao dốc nghiêm trọng" và chi phí sản xuất của các doanh nghiệp chăn nuôi đang tăng cao đến mức báo động.
Trong bối cảnh đó, NDRC thúc giục chính quyền các địa phương nên bắt đầu thu mua thêm thịt heo cho vào kho dự trữ nhằm ổn định giá thịt heo và sản lượng heo hơi. Khá nhiều địa phương bao gồm hai tỉnh Tứ Xuyên ở khu vực tây nam và Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc đã bắt đầu gom thịt heo. Sau đó, khu tự trị Ninh Hạ ở tây bắc đất nước tỷ dân cũng thông báo đang mua thịt heo, đồng thời kêu gọi các cơ sở giết mổ cân nhắc nguồn cung để duy trì sản lượng ở mức vừa phải.
Trong tuần qua, giá thịt heo bán buôn cũng trong xu hướng giảm. Theo số liệu do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc công bố, giá thịt heo trung bình trên thị trường bán buôn là khoảng 19,76 nhân dân tệ (tương đương 2,53 USD)/kg, tụt 5,68% so với ngày 11/2. Ông Wang Zuli, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, cho hay: "Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt heo của người dân sụt mạnh, nhưng trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường vẫn tăng, giá thịt có thể tiếp tục lao dốc".
Ở một báo cáo mới, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cảnh báo giá heo hơi tại Trung Quốc có khả năng sẽ chạm đáy mới trong nửa đầu năm 2022 do nguồn cung dư thừa và nhu cầu trầm lắng. Điều này buộc người chăn nuôi heo phải tìm kiếm thêm hỗ trợ tài chính từ bên ngoài, thậm chí có thể gây căng thẳng thanh khoản đối với các doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán yếu kém.
Kết thúc năm 2021, tổng đàn heo thịt và heo nái của Trung Quốc đã vượt mức trước khi dịch tả heo châu Phi (ASF) tấn công Trung Quốc năm 2018. Cùng lúc, đàn heo phục hồi mạnh đã làm tăng nhu cầu thức ăn chăn nuôi, dẫn đến việc giá ngô và lúa mạch nhập khẩu leo lên mức cao trong lịch sử.
Giá thịt heo có bật tăng trong quý cuối cùng của năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt đến điểm hòa vốn vì chi phí thức ăn và vận hành chuồng trại cao, khiến nhiều công ty chăn nuôi hàng đầu đối mặt với nguy cơ lỗ ròng trong năm qua, hầu hết các công ty chăn nuôi tại Trung Quốc đều không bơm thêm thanh khoản sau một năm 2020 bội thu, nhưng lại tăng cường vay nợ để mở rộng hoạt động. Do đó, họ dễ bị ảnh hưởng khi thị trường suy yếu kéo dài.