Để đạt hiệu quả cao khi sử dụng vaccine, người nuôi cần lưu ý lựa chọn đúng chủng loại vaccine, thực hiện tốt bảo quản và kỹ thuật sử dụng.

Các loại

Có 4 loại vaccine gồm: vaccine nhược độc, vaccine chết, giải độc tố và vaccine tái tổ hợp nhưng thông thường sử dụng 2 loại vaccine sau:

Vaccine nhược độc (vaccine sống): Là chế phẩm sinh học từ vi khuẩn hoặc virus đã được làm yếu đi đến mức không gây nguy hiểm cho vật nuôi, nhưng có tác dụng gây miễn dịch tốt; hoặc từ những chủng vi sinh vật vốn có tính gây bệnh thấp đối với động vật được tuyển chọn từ tự nhiên.

Vaccine vô hoạt (vaccine chết): Là chế phẩm sinh học từ vi khuẩn, virus mầm bệnh đã bị giết chết bằng các tác nhân vật lý như tia cực tím, các chất hóa học như axit phenic, formol, crystal violet…

Mỗi loại vaccine có những đặc thù riêng, hiệu quả và thời gian miễn dịch phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng vaccine. Nếu sử dụng đúng kỹ thuật thì sẽ đảm bảo thời gian miễn dịch kéo dài và an toàn, ngược lại chỉ một sơ suất nhỏ sẽ làm mất một phần hoặc mất hoàn toàn khả năng tạo miễn dịch của vaccine.

Bảo quản, vận chuyển đúng kỹ thuật

Đây là yếu tố đặt lên hàng đầu bởi vaccine luôn đòi hỏi phải bảo quản ở một điều kiện nghiêm ngặt, đặc biệt là các loại vaccine nhược độc.

Điều kiện thích hợp nhất đối với các loại vaccine virus là ở nhiệt độ từ 2 – 80C, các loại vaccine vi khuẩn từ 5 – 150C và một điềuquan trọng nữa là các loại vaccine phải bảo quản trong điều kiện mát, tránh ánh nắng mặt trời. Cần chú ý đây là một điều kiện cực kỳ quan trọng bởi trong thực tế, có nhiều trường hợp người mua vaccine dùng túi nilon ( loại túi sáng màu) có đựng đá bên trong nhưng khi đi đường lại để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu lực của vaccine.

Để bảo quản vaccine trong điều kiện tốt nhất khi vận chuyển phải đựng vào hộp xốp hoặc thùng giữ nhiệt; nếu mua với số lượng ít, nơi mua gần thì bảo quản bằng túi nilon, tốt nhất là loại nilon tối màu có giấy bọc. Trong quá trình bảo quản, vận chuyển cần bao gói kỹ, tránh hiện tượng va đập và đặc biệt không cho ánh nắng trực tiếp chiếu vào để đảm bảo chất lượng và hiệu quả phòng bệnh của vaccine.

Sử dụng

Tiêm phòng hàng năm cho gia súc, gia cầm ở nơi có ổ dịch cũ, nơi có bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa trước mùa phát bệnh; Vaccine phòng bệnh nào thì chỉ phòng được bệnh đó, không phòng được bệnh khác; 

Không được tiêm vaccine cho động vật đang mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, động vật mới thiến chưa lành vết thương, những con có nhiều ký sinh trùng và động vật mang thai ở kỳ cuối; 

Dụng cụ tiêm phòng (bơm kim tiêm) phải đảm bảo tiệt trùng. Biện pháp tốt nhất là luộc sôi để nguội trước khi sử dụng; Không dùng cồn để sát trùng bơm kim tiêm khi tiêm vaccine;

 

Dùng vaccine đủ liều, đúng đường tiêm, đúng vị trí, đủ độ sâu và đúng lịch theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; vị trí tiêm phải được sát trùng; lắc kỹ lọ vaccine trước khi sử dụng; vaccine đã pha hoặc đã cắm kim tiêm, nên dùng càng sớm càng tốt, nếu thừa phải hủy, không được dùng cho ngày hôm sau; không vứt bừa bãi chai lọ, kim tiêm; sau khi sử dụng vaccine, cần theo dõi vật nuôi để kịp thời can thiệp các trường hợp phản ứng hoặc gia súc, gia cầm có thể bị sốc phản vệ; khi đi mua vaccine nên mua ở những nơi có đủ điều kiện, được phép bán vaccine, tốt nhất mua tại các cửa hàng được Trạm Thú y huyện cấp phép để đảm bảo chất lượng và được tư vấn kỹ thuật về cách sử dụng các loại vaccine.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên